Năm nay, Tết Nguyên đán sẽ đến sớm hơn các năm trước và gần với thời điểm Tết Dương lịch nên ngay từ đầu tháng 10, nhiều DN, cơ sở sản xuất ở phía Nam đã lên kế hoạch sản xuất, nhận đơn hàng Tết.
Theo một DN bánh kẹo tại TPHCM, hiện công ty này đã bắt đầu khởi động cho việc sản xuất hàng hóa cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Dự kiến, sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết của công ty tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Tương tự, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng cũng cho biết, thời điểm này các DN đang bước vào cao điểm sản xuất hàng cuối năm. Theo đó, nhiều DN ghi nhận số lượng đơn hàng thời điểm hiện tại tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy năm nay, giá nhiều nguyên liệu đầu vào đều xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ do những biến động từ thị trường, chi phí vận tải, nhân công. Trong khi đó, sức mua nhìn chung vẫn suy giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khiến các DN phải cân đối lại chi phí vận hành để giữ giá đầu ra ổn định. “Giá xăng tăng kéo theo giá thức ăn tăng nhanh suốt thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng lại không tăng, DN không thể điều chỉnh giá, dẫn đến lợi nhuận giảm”, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, chia sẻ.
Thêm vào đó, theo các DN, giai đoạn hậu Covid-19, người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi và xu hướng tiêu dùng. Kết quả “Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam” do Deloitte thực hiện gần đây cho thấy đang có sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sự lựa chọn thay thế có chất lượng cao hơn.
Trong bối cảnh đó, để có thể thích ứng với chi phí nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, nhiều DN đã thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát.
Ngoài ra, nhiều DN cũng thuyết phục với đơn vị vận chuyển để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm nhà cung cấp nguyên vật liệu để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí, đội giá thành sản phẩm… “Với áp lực cạnh tranh, giá bán không thể tăng nên sức mua giảm. Cách duy nhất là cải tiến thiết bị, nâng cao công suất, tăng sản lượng để bù vào chi phí vượt trội do giá xăng dầu biến động, đồng thời chịu một phần áp lực tăng giá cho người tiêu dùng. Cụ thể, thời gian qua chúng tôi vẫn giữ nguyên giá cho người tiêu dùng và nhà phân phối”, ông Bùi Nga, Giám đốc Công ty Yến Đảo Nha Trang, cho biết.
Theo các chuyên gia, mặc dù các DN sản xuất tìm mọi cách để linh hoạt sản xuất, giữ giá sản phẩm, tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của DN, để hạ nhiệt giá hàng hóa, cần có sự điều tiết của nhà nước để giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát lại các yếu tố hình thành giá cả. Tránh trường hợp nhà cung cấp trung gian được hưởng lợi quá nhiều trong khi nhà sản xuất khó khăn; đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng hóa giá đắt đỏ thời điểm cuối năm.