Một vị đại biểu Quốc hội là doanh nhân chia sẻ bên hành lang kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV rằng, ông rất say mê nghiên cứu khoa học. Thời còn trẻ, ông chẳng nghĩ đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT), vì không biết có cơ chế đó. Giờ, ông cũng vẫn không mặn mà với việc đăng ký SHTT vì nghĩ rằng đăng ký sở hữu cũng có nghĩa là rất dễ bị người khác lợi dụng trí tuệ của mình, trong khi hồ sơ, thủ tục đăng ký thì phức tạp, còn những biện pháp bảo vệ quyền SHTT thì chưa đủ mạnh.
Có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm không muốn loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi “xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí” và thay thế bằng biện pháp tố tụng dân sự, vì lo ngại “được vạ thì má đã sưng”.
Thực tế, các biện pháp hành chính không phải không có nhiều thiếu sót và chỉ có thể áp dụng trong những trường hợp hành vi xâm phạm rõ ràng, đơn giản. Với biện pháp hành chính, bên xâm phạm quyền SHTT chỉ phải trả khoản tiền phạt thường là nhỏ hơn so với lợi ích vật chất thu được (và chấm dứt hành vi xâm phạm trên cơ sở quyết định xử phạt của cơ quan chức năng). Không ít trường hợp sau khi đã bị xử phạt hành chính xong, bên vi phạm lại… tiếp tục hành vi xâm phạm. Thế nhưng, ưu điểm rõ rệt của biện pháp này là xử lý vụ việc nhanh gọn, tiết kiệm thời gian.
Với cơ chế xét xử của tòa án, những thiệt hại của nguyên đơn có thể được đền bù thỏa đáng hơn, bản án có tính bắt buộc và răn đe cao hơn. Cũng chỉ có tòa án mới có khả năng giải quyết những vụ án phức tạp, đòi hỏi quá trình tranh tụng, xác minh kéo dài. Tiến tới xử lý những tranh chấp SHTT thông qua hệ thống tòa án là cách làm chuyên nghiệp của các nền kinh tế thị trường phát triển. Tuy nhiên, quy trình xử lý tranh chấp qua hệ thống này mất nhiều thời gian; chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến SHTT của đội ngũ cán bộ tòa án hiện nay còn hạn chế…
Có thể thấy, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, được nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận (thực chất là giữ nguyên như quy định cũ) sẽ tạo cơ hội để nguyên đơn lựa chọn giải pháp phù hợp với họ. Tranh chấp đơn giản, cần xử lý nhanh thì chọn biện pháp hành chính; còn tranh chấp phức tạp, gây thiệt hại kinh tế lớn mà biện pháp hành chính không giải quyết được một cách thỏa đáng thì đưa ra tòa án.
Mặc dù vậy, điều rất cần làm, tới đây, là điều chỉnh những quy định phân cấp, phân quyền, phân công trong hệ thống tòa án để tăng cường tính chuyên môn hóa, từ đó nâng cao năng lực xử lý án liên quan đến SHTT. “Hữu xạ tự nhiên hương” - chính uy tín của tòa án trong việc giải quyết án SHTT sẽ thuyết phục các chủ sở hữu tìm đến tòa để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách kịp thời, thỏa đáng.