Mảng xanh teo tóp dần
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, những năm gần đây, năm nào TP cũng trồng mới hàng ngàn cây xanh. Cụ thể, năm 2014 trồng 5.973 cây, năm 2015 trồng 8.078 cây và năm 2016 trồng 5.112 cây. Các cây này chủ yếu được trồng trên những tuyến đường mới như Trần Văn Giàu, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội (mở rộng), Chánh Hưng nối dài… Ngoài ra, cây xanh cũng được trồng mới ở nhiều hoa viên và các dải phân cách như ở dạ cầu Ông Buông, cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn…
Thế nhưng, cũng theo Sở GTVT, để phục công tác đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng, không ít cây xanh đã bị chặt đi. Để thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng đường sắt nội đô đã phải đốn và di dời 52 cây xanh trên đường Lê Lợi, 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Để làm đường Hồng Hà dẫn vào sân bay, Sở GTVT buộc phải cho phép nhà thầu thi công tuyến đường này chặt và di dời hàng chục cây xanh cổ thụ ở Công viên Gia Định. Số lượng cây xanh không chỉ giảm đi do nhường đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật mà còn bị giảm bởi trong quá trình thi công các trình này đã xâm hại đến bộ rễ của cây, làm cây bị chết. Biến đổi khí hậu với những cơn dông, gió lớn trong những năm gần đây cũng đã làm cho nhiều cây ngã, đổ. Cụ thể, năm 2014 ngã đổ 194 cây, năm 2015 bị 184 cây và năm 2016 là 216 cây.
Số lượng cây phải đốn hạ và chết tuy ít và chỉ bằng một phần nhỏ so với cây trồng mới, nhưng đều là những cây lâu năm, có tán rộng, tạo bóng mát lớn, còn cây mới đều là cây nhỏ, đang phát triển, chưa tạo được bóng mát, nên nhìn chung, dường như mảng xanh của TP đang bị teo tóp dần.
Cộng đồng cùng vào cuộc
Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định: “Trong quá trình phát triển đô thị, việc buộc phải chặt hoặc di dời một số cây để nhường đất cho các công trình hạ tầng là việc không tránh khỏi. Vấn đề cần quan tâm là sẽ bổ sung số lượng cây mất đi như thế nào? Trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đều đã có quy định về diện tích cây xanh phải trồng. TPHCM nên giám sát và buộc các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm quy định này. Còn trong các khu dân cư cũ, nếu thực hiện chỉnh trang đô thị nên ưu tiên phần đất dôi ra cho phát triển mảng xanh. Nếu Nhà nước không có kinh phí, có thể kêu người dân góp công, góp sức cùng làm”.
Theo chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM đang rất nóng do thiếu mảnh xanh. Trong khi đó, nhiều nhà cao tầng xây dựng lên nhưng chưa “trả lại” được diện tích cây xanh tương ứng với diện tích đã bê tông hóa. TPHCM nên có giải pháp cho vấn đề này. Trồng cây trên các tòa nhà cao tầng là một trong những giải pháp nên áp dụng. Cây xanh ở đây không những sẽ giúp làm dịu hơi nóng bốc ra từ các tòa nhà mà còn hấp thu nước, góp phần chống ngập và tạo cảnh quan chung cho TP.
KTS Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch xây dựng đô thị TPHCM) cho rằng, kiểm soát việc phát triển mảng xanh theo đúng quy định tại các dự án phát triển đô thị mới rất quan trọng, bởi lẽ đã và đang có hiện tượng nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng đến xây nhà để bán và làm công viên sơ sài để “trả nợ” cho xong nghĩa vụ. Đất bị san lấp xây nhà mà không có cây xanh giúp điều tiết khí hậu, trong tương lai, TP sẽ rất ngột ngạt. Tuy nhiên, KTS Võ Kim Cương cũng nhận định, trồng cây và để cây lớn, phải có thời gian. Do vậy, nên linh hoạt trong việc phát triển mảng xanh. Không chỉ trồng cây xanh có thân gỗ lớn mà nên trồng cả các loại dây leo, hoa… Đây là các loại cây lớn nhanh, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều của TPHCM. Trồng phủ lên nhà, lên các lan can cầu, dải phân cách…, không những làm mát được cho công trình mà còn tạo mỹ quan đô thị. Những loại cây này chỉ cần vài tháng hoặc 1 năm là đã có thể tạo mảng xanh khá lớn cho TP. Chi phí trồng và chăm sóc lại khá rẻ, TPHCM hoàn toàn có thể vận động người dân trồng phủ xanh nhà của mình hay yêu cầu các công sở trồng trong và quanh khuôn viên.