Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, trong quá trình tổ chức ăn, ngủ bán trú cho trẻ mầm non, các trường phải bố trí giãn cách, đảm bảo phòng ốc thông thoáng, bố trí đồ dùng cá nhân riêng cho từng trẻ.
Song song đó, trường học cũng điều chỉnh kế hoạch giáo dục, bố trí hoạt động học tập theo nhóm nhỏ, không tổ chức hoạt động tập thể, hạn chế tiếp xúc giữa trẻ với nhau. Riêng hoạt động ngoài trời, trường bố trí luân phiên, phân chia khu vực sinh hoạt riêng cho từng lớp. Nhờ kết hợp các biện pháp an toàn, đẩy mạnh truyền thông, tạo sự yên tâm với phụ huynh nên tỷ lệ học sinh mầm non tham gia bán trú toàn tỉnh hiện đạt gần 90%.
Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Long tổ chức 4 giải pháp: xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ; phối hợp chính quyền địa phương quản lý và theo dõi sức khỏe trẻ thường xuyên; truyền thông nâng cao nhận thức của phụ huynh và biện pháp tổ chức an toàn (đón trẻ ngay từ cổng, không tổ chức ăn trưa tập trung, bố trí giờ ăn lệch ca, học sinh nằm ngược chiều nhau trong giờ ngủ trưa).
Đặc biệt, tại TPHCM, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 Mao Thị Kim Liên cho biết, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ mầm non bị ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý do thiếu sự quan tâm của gia đình, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên trao đổi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm từng học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn khi vui chơi học tập) để đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ.
Với nhiều biện pháp linh hoạt, các trường học trên cả nước cần tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng, phương án phòng chống dịch để thực hiện thường xuyên trong đơn vị, tạo tin tưởng với phụ huynh. Bộ GD-ĐT cần tham mưu Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ và thu hút giáo viên mầm non, tạo điều kiện để bậc học này phát triển, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19.