Những năm trước, mỗi khi nền nhiệt độ xuống dưới 10oC (rét hại) sở GD-ĐT các địa phương phía Bắc thường yêu cầu các trường cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học; nếu nhiệt độ xuống dưới 7oC các trường THCS cũng phải cho học sinh nghỉ học. Căn cứ theo thông báo này, các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các trường được chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học sau khi theo dõi bản tin thời tiết được công bố lúc 6 giờ sáng hàng ngày.
Song diễn biến thực tế nhiều năm qua cho thấy, quy định này không còn phù hợp bởi thực tế có nhiều ngày, nhiệt độ vào lúc 6 giờ sáng dưới 10oC nhưng khoảng 1-2 giờ sau hoặc tới gần trưa lại tăng lên nhanh. Do đó, việc cho học sinh nghỉ học vào những ngày này thường gây xáo trộn kế hoạch của các trường. Do đó, nhiều phụ huynh và nhà trường đề xuất nên điều chỉnh giờ vào học một cách linh hoạt thay vì quy định như hiện nay.
Xuất phát từ thực tế này, mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho phép điều chỉnh giờ vào học trong những ngày rét đậm để học sinh không phải đến trường quá sớm. Có thể xem đây là cách làm sáng tạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, tuy nhiên cũng có vấn đề cần cân nhắc. Thực tế vẫn có những ngày rét đậm rét hại kéo dài hoặc xuất hiện các điều kiện thời tiết, thiên tai khắc nghiệt thì rõ ràng vẫn cần phải quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các em. Điều này có nghĩa cơ quan dự báo thời tiết phải có trách nhiệm dự báo chuẩn xác để các trường, địa phương đưa ra quyết định chính xác.
Ngoài ra, theo nhiều phụ huynh, điều chỉnh giờ học cũng như giờ làm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi thời tiết ở mỗi vùng miền, địa phương có những đặc thù, sự khác nhau. Ở miền Nam và miền Trung, vào mùa nắng nóng có thể chọn thời gian vào lớp sớm hơn để giờ tan học buổi trưa không gặp nắng nóng. Vào buổi chiều, có thể kết thúc giờ học sớm hơn để tránh gặp các cơn dông nguy hiểm, mưa ngập, giờ tan tầm thường bị ùn tắc giao thông... Tại nhiều nước có nền giáo dục phát triển, việc này đều được thực hiện rất linh hoạt và sáng tạo.