Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất

Bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách ngày 13-5, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về kết quả giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024.

Ong TRẦN QUỐC PHƯƠNG.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, năm 2024 mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ dự kiến là 95%, rất cao. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng hiện thực hóa mục tiêu này?

Thứ trưởng TRẦN QUỐC PHƯƠNG: Đầu tư công trong những năm vừa qua là nhiệm vụ được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo điều hành. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong những năm gần đây liên tục được cải thiện. Cụ thể nhất là năm 2023, tỷ lệ này đạt gần 95%.

Bước sang năm 2024, yêu cầu về các động lực thúc đẩy tăng trưởng tăng mạnh hơn, nhanh hơn; đầu tư công cũng vậy. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể về các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Sau 3 tháng đầu năm, một lượng vốn khá lớn - hơn 80.000 tỷ đồng - đã được giải ngân, đạt tỷ lệ hơn 13,7%; cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (hơn 10%).

Cần nói thêm, năm 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công rất cao, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2024, lượng vốn được bố trí thấp hơn gần 100.000 tỷ đồng, bởi chúng ta đã kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, số tuyệt đối giải ngân đầu tư công trong 3 tháng đầu năm 2024 lại cao hơn cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả.

Trong đó, đáng ghi nhận hơn cả, theo tôi, chính là sự tự giác, quyết liệt ở các đơn vị, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thi công nhiều công trình lớn một cách nhanh nhất, tốt nhất và đạt khối lượng cao nhất. Cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trung ương, địa phương trong việc xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện, như điều chỉnh dự án, thay đổi các cơ chế chính sách hay các giải pháp thi công...

N3c.jpg
Tuyến đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bên cạnh những giải pháp đã thực hiện khá thành công trong thời gian qua, có giải pháp đặc thù nào sẽ được triển khai trong thời gian tới?

Để đạt được mục tiêu 95%, dù đã có kinh nghiệm thành công của năm trước, vẫn là một nhiệm vụ khó khăn chứ không hề đơn giản. Ngoài những giải pháp mà chúng ta đã thực hiện và cần tiếp tục phát huy tốt hơn, tôi cho rằng cần chú trọng hơn trong việc xử lý những tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong quá trình thực hiện các dự án này không tránh khỏi những tình huống phát sinh, từ khâu giải phóng mặt bằng cho đến khảo sát thăm dò, thiết kế dự án, triển khai thi công…

Việc xử lý các trường hợp như vậy cần phải làm nhanh, bởi nếu không thì dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Tinh thần chung là các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải hết sức nhạy bén và linh hoạt.

Có ý kiến cho rằng năm nay sẽ không có tình trạng “ế vốn”, thậm chí cuối năm có thể xảy ra khả năng thiếu vốn. Thứ trưởng có bình luận gì?

Quả thực nếu cứ tiếp tục giải ngân tốt như hiện nay thì rất có khả năng đến cuối năm là không còn hạn mức, không còn dự toán để giải ngân nữa. Vừa qua, Bộ KH-ĐT đã báo cáo với Thủ tướng về lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ước tính, năm nay chúng ta có thể thiếu hơn 100.000 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu giải pháp. Chủ trương chung là huy động mọi nguồn lực có thể để bổ sung cho đầu tư công.

Vậy nếu tình trạng đó xảy ra thì có giải pháp nào khác, thưa ông?

Sẽ luôn luôn xảy ra tình trạng có nơi thiếu và có nơi thừa vốn. Chúng ta cần làm tốt hơn việc điều chuyển vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu để giải ngân được tối đa. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ôm” vốn rồi để đó.

Song tôi cho rằng, phần vốn thừa chưa hẳn nhiều, chủ yếu tập trung vào khoản vốn chưa phân bổ. Do đó, cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân tại sao và kịp thời điều chuyển. Đây là câu chuyện điều hành kế hoạch vốn. Năm nay có thể là năm điều chỉnh kế hoạch rất nhiều lần để dòng tiền được lưu chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu một cách nhanh chóng, đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất.

Tin cùng chuyên mục