Để ứng phó với rủi ro trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần chia sẻ, linh hoạt và phản ứng nhanh; các định chế tài chính cần nghiên cứu thêm các sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp; và ở tầm vĩ mô, cần “nắn” dòng tiền đi đúng hướng, tạo ra hàng hóa và việc làm, hạn chế các hoạt động “đầu cơ”.
3 thách thức lớn
Lạm phát, khủng hoảng năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng là 3 cụm từ ngắn gọn để nói về bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay. Đó cũng là 3 thách thức lớn mà các nền kinh tế phải đối mặt.
Nhiều tổ chức kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ bằng hơn một nửa so với năm 2021. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 5,7%, nhưng tỷ lệ này vào năm 2022 theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ là 2,9%, IMF là 3,6%, OECD là 3,0%, UN là 3,1%. Theo đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều được các tổ chức kinh tế dự đoán tăng trưởng chỉ bằng một nửa của năm 2021.
ngoại tệ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mỹ, Trung Quốc, EU là các nền kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại, tiêu dùng, sản xuất toàn cầu. Khi tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia này chững lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phần còn lại của thế giới. Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế lớn, những biến động trong thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Tăng trưởng quý 2 năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đạt 7,72%. Ngành tăng cao như sản xuất phụ trang tăng 23,3%; thiết bị điện tăng 22,2%; thuốc hóa chất, và dược liệu tăng 17,4%. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 17,3% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát tốt. Sở dĩ đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng là nhờ vào các tín hiệu lạc quan của kinh tế thế giới từ đầu năm. Từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đã nhận đơn hàng cho đến hết quý 3. Nhờ đó, doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần vào tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm không còn tươi sáng. Chính phủ của hầu hết các nền kinh tế lớn đều thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng các nền kinh tế lớn chậm lại, sức mua giảm, tồn kho gia tăng. Do vậy, các đơn hàng sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm mạnh. Thậm chí, nhiều khả năng các đơn hàng đã sản xuất sẽ không giao hàng được, tồn kho thành phẩm sẽ gia tăng. Bởi vì các nhà nhập khẩu không tiêu thụ được hàng hóa tại các nền kinh tế lớn.
Lạm phát và chính sách kiểm soát lạm phát không đồng bộ giữa chính phủ các nền kinh tế lớn sẽ gây ra rủi ro về biến động tỷ giá. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, bán hàng, xuất khẩu bằng những đồng tiền khác nhau gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu trả chậm bằng USD, khi tỷ giá VNĐ/USD tăng sẽ phải trả chi phí cao hơn. Một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu trả bằng USD, xuất khẩu thu bằng đồng EUR chịu rủi ro chênh lệch tỷ giá bởi giữa 3 đồng tiền USD, EUR, VNĐ…
Do vậy lạm phát trên thế giới sẽ gây áp lực lên lạm phát cho Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong 6 tháng cuối năm. Lãi suất đã bắt đầu tăng, các biện pháp thu tiền về đã bắt đầu triển khai. Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Cần bảo hiểm rủi ro
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Năng lực quản trị rủi ro là rất quan trọng đối với các nhà quản trị. Có nhiều cách thức quản trị rủi ro khác nhau, nhưng chung quy lại cần nắm vững nguyên tắc đa dạng nguồn cung, đa dạng thị trường, đa dạng sản xuất các dòng sản phẩm trên nền tảng công nghệ lõi sẵn có sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các rủi ro từ thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung ứng bị gián đoạn thường xuyên nên cần đa dạng nguồn cung; sức mua thị trường tăng giảm thất thường ở các nước khác nhau nên cần đa dạng thị trường; nhu cầu khách hàng thay đổi nhanh trong ngắn hạn, trong khi thay đổi công nghệ cần có thời gian nên cần đa dạng sản phẩm trên dòng công nghệ lõi là yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhất quán nguyên tắc kinh doanh theo triết lý “chia sẻ, linh hoạt, phản ứng nhanh”. Chia sẻ giúp doanh nghiệp không phải đầu tư cố định lớn khi gặp rủi ro có thể cắt giảm chi phí; linh hoạt trong hầu hết các hoạt động từ thay đổi thiết kế, sản xuất, chính sách bán hàng… để đáp ứng được nhu cầu thay đổi của các đối tác kinh doanh; phản ứng nhanh để kịp thời nắm bắt cơ hội. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp thích ứng kịp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Rủi ro tài chính với các biến cố như chênh lệch tỷ giá, thanh toán, lãi suất sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới. Có nhiều công cụ giúp doanh nghiệp quản trị các rủi ro này, chẳng hạn như bảo hiểm tỷ giá, bảo lãnh thanh toán trả chậm và sử dụng các hợp đồng tương lai. Các định chế tài chính cần nghiên cứu thêm các sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp.
Mục tiêu điều hành vĩ mô của Chính phủ cần đảm bảo đạt được tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm, kiềm chế lạm phát và kiểm soát các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Theo đó, tiền phải tạo ra được hàng hóa, tiền tạo hàng thì sẽ có việc làm và hàng phải tiêu thụ được. Muốn vậy, các lĩnh vực có nhu cầu tiêu dùng lớn cần được ưu tiên dòng tài chính để tạo hàng hóa và việc làm; các hoạt động đầu cơ, kiếm tiền thông qua nắm giữ tài sản chờ tăng giá thì phải kiên quyết hạn chế. Khi dòng tiền đi đúng hướng, các mục tiêu trên sẽ được đảm bảo hài hòa.