Lo sức cầu của thị trường không tăng
Thông thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm sẽ nở rộ hơn các tháng khác. Tuy nhiên, theo nhận định chung của nhiều nhà sản xuất, phân phối lớn ở TPHCM thì thị trường hiện nay vẫn còn khá im ắng. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất lo lắng sức cầu của thị trường sẽ không tăng trong những tháng tới bởi tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có giá điện vừa được điều chỉnh tăng 4,8% từ ngày 11-10-2024. Theo các DN, giá điện có đặc thù không chỉ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, mà còn ảnh hưởng chung đến toàn xã hội. Khi giá điện tăng, vô hình trung sẽ tác động lên giá các mặt hàng hóa, từ đó tác động đến chi tiêu của người dân, khiến họ dè dặt hơn trong mua sắm.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 9-2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Điều này phản ánh rõ câu chuyện giá cả tác động đến CPI, mà nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão. Từ thực tế kinh doanh, nhiều DN cũng cho biết, lúc đầu họ dự báo sức mua có thể bằng năm ngoái nhưng sau cơn bão số 3 (bão Yagi) cùng chính sách tăng giá điện thì sức mua chậm lại. Theo ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA), với diễn biến trên thị trường như hiện nay, hoạt động bán lẻ rất khó khăn. “Qua đánh giá 9 tháng, chúng tôi nhận thấy mức tiêu dùng của người dân trên địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể, đặc biệt là với sản phẩm bán lẻ ”, ông Thanh chia sẻ và cho biết sức cầu của thị trường cuối năm nay sẽ rất khó đoán.
Chủ động chuẩn bị nguồn hàng
Dù nhận định thị trường còn nhiều yếu tố khó đoán định, song việc chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như Tết Ất Tỵ 2025 vẫn được các DN thực hiện từ sớm. Với SATRA, ông Lâm Quốc Thanh cho biết, ngay từ tháng 7-2024 đã chỉ đạo hệ thống bán lẻ của tổng công ty triển khai tới tất cả các đơn vị thành viên, trung tâm phân phối chuẩn bị nguồn hàng hóa cho những tháng cuối năm 2024, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và dịp Tết Nguyên đán 2025.
Theo kế hoạch, hệ thống bán lẻ SATRA đã tăng cường dự trữ hàng hóa, trong đó tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng bình ổn thị trường; nguồn hàng phong phú, chất lượng nhằm kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, đảm bảo giá cả hàng hóa hợp lý, chất lượng, đa dạng lựa chọn, nhất là không để xảy ra tình trạng hàng tăng giá, kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa phục vụ khách hàng trong dịp tết sắp tới.
Theo ông Lâm Quốc Thanh, với những diễn biến trên thị trường bán lẻ hiện nay, việc chuẩn bị hàng tết của SATRA sẽ có khác biệt so với trước đây. Cụ thể, SATRA không tích trữ hàng mà thực hiện ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực. Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa lượng hàng tồn kho trong bối cảnh sức mua thấp như hiện nay. Bên cạnh đó, SATRA cũng cam kết không tăng giá hàng hóa, đồng thời luân phiên thực hiện các đợt khuyến mãi sâu để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm. Ngoài chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, phong phú, ông Thanh cho biết, SATRA đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để trong tháng 12-2024 đưa vào hoạt động trung tâm thương mại SATRA đường Võ Văn Kiệt (Centre mall đường Võ Văn Kiệt). Trung tâm thương mại mới này có diện tích sàn xây dựng gần 30.000m2, với quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, là dự án có quy mô lớn nhất thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ của SATRA. Việc đưa Centre Mall đường Võ Văn Kiệt vào hoạt động trong thời điểm cuối năm sẽ cung cấp thêm địa chỉ mua sắm hấp dẫn cho người dân khu vực quận 6 và các quận lân cận như quận 8, quận 5, quận 11…
Trên quy mô rộng hơn, theo Sở Công thương TPHCM, từ giữa năm 2024, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, sở đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình này đã thu hút 69 DN đầu mối tham gia (tăng 10 DN so với năm 2023). Theo đăng ký từ các DN, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4%-6% so với năm 2023; chiếm từ 21%-32% thị phần trong tháng thường, và chiếm từ 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng tết. So với các năm trước, chương trình bình ổn giá năm nay có điểm mới là bổ sung hình thức hỗ trợ các đơn vị thực hiện chương trình, như: giá thuê mặt bằng, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu… Qua đó hỗ trợ DN các khâu từ sản xuất, lưu thông đến phân phối hàng hóa.
Cùng với bình ổn thị trường, cuối tháng 9-2024, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM với các địa phương năm 2024 nhằm tìm kiếm và bổ sung nguồn hàng cho thị trường cuối năm. Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay khi thu hút gần 2.000 DN đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia. Ngay sau hội nghị, rất nhiều DN ở các địa phương đã có cơ hội làm việc trực tiếp với các DN phân phối, bán lẻ lớn của TPHCM như SATRA để thực hiện giới thiệu, quảng bá và đưa hàng vào hệ thống siêu thị này.