Lính bay

1.
Lính bay

1. Cuộc tổng tấn công thần tốc của quân và dân ta đang diễn ra… Cánh quân phía Đông rầm rập tiến trên quốc lộ số 1, xe quân sự, xe tăng, xe bọc thép, xe đò và cả xe lam chở quân, ào ào xuôi về phía Nam. Trên đường từ sân bay Phan Rang, chiếc trực thăng thực hiện nhiệm vụ chở hàng tấn bản đồ thành phố Sài Gòn được lệnh khẩn cấp bay đến Bộ Chỉ huy chiến dịch… Bất ngờ, phi công Bùi Huy Huyên báo cáo:

- Phía trước, chớp đầu nòng, một trận địa phòng không bắn lên dữ dội.

Nguyễn Hồng Nhị ngồi sát cửa lên xuống đứng lên, lao vào buồng lái ra lệnh:

- Giảm độ cao để dưới đất thấy máy bay ta.

Bùi Huy Huyên điều khiển chiếc trực thăng hạ thấp độ cao. Nhưng, dường như chiếc trực thăng càng hạ thấp, hiệu suất bắn trúng càng cao, một loạt đạn cấm vào bên phải khối bản đồ, ánh chớp lóe lên, mùi khét lẹt bao trùm khoang chở người. Nguyễn Hồng Nhị mắt không rời ánh chớp ở trước mặt, anh ra lệnh:

- Hạ cánh.

Nguyễn Hồng Nhị (trái) chi huy Trung đoàn 927

Nhị biết rõ, mặt đất đang say, càng bay đến gần, hiệu suất bắn trúng càng cao. Phi công Bùi Huy Huyên lập tức dừng tiến về phía trước và hạ cánh. Người viết bài này cảm nhận rất rõ độ cao chênh lệch với mặt đất. Cánh quay ở trên lưng vẫn quay đều, đạn từ mặt đất bắn lên vọt qua bên hông máy bay đỏ lừ… Nhị là một phi công chiến đấu, anh đã từng bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng 8 huy hiệu của người và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Nhị cũng từng bị bắn rơi hai lần trong những trận không chiến oanh liệt và đẫm máu, anh biết rất rõ viên đạn, mảnh tên lửa Mỹ nổ, cắm vào máy bay, tiếng va chạm của nó còn hơn tiếng búa đập vào đe, nó làm cho máy bay chao đảo rung lên dữ dội.

Bây giờ, chiếc trực thăng cách mặt đất chừng 100m, nó đang tìm khoảng trống để hạ cánh, luồng đạn không ngừng bắn lên. Nhị hết sức bình tĩnh, anh ra lệnh cho phi công trực thăng hạ cánh khẩn cấp, chiếc trực thăng rung lên, loạt đạn từ mặt đất bắn lên đã trúng bên phải thân máy bay, loạt đạn tiếp theo làm chấn động dữ dội, dường như càng bánh bên trái nơi người viết bài này ngồi, máy bay như mất thăng bằng trượt nghiêng, một bánh máy bay bị đạn bắn trúng văng ra trước mặt.

Cuối cùng, chiếc trực thăng đã hạ cánh do tài nghệ của phi công điều khiển. Nhị lập tức bước xuống mặt đất, bộ quần áo quân giải phóng, chiếc mũ mềm quen thuộc, đứng trước mũi máy bay, nơi ở phía trước, hàng chục người mang AK chĩa vào chiếc trực thăng và Nguyễn Hồng Nhị… Dường như đã biết bắn nhầm quân ta, những nòng súng từ từ hạ xuống, khựng lại và từ từ tiến đến, Nhị hỏi:

- Các anh ở đơn vị nào?

- …

- Chiếc trực thăng chở bản đồ cho Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, làm sao bây giờ?

Không chậm trễ, chỉ một thời gian rất ngắn, đã có một chiếc xe và số bản đồ đã được chất lên, đơn vị bắn chiếc trực thăng thật sự góp phần khắc phục hậu quả này.

2. Mờ sáng ngày 2-5-1975, thành phố như vỡ ra, xe, người tấp nập, ngoài đường lực lượng thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự đường phố… Vẫn những tiếng còi nhưng không có sắc phục, người dân thành phố rạng rỡ và thân thiện… Ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Hồng Nhị nhận được lệnh từ Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị chỉ huy phi đội quyết thắng bay ra Côn Đảo, nơi giam giữ tù của ta để ngăn kẻ thù cưỡng ép tù nhân và đón bọn ác ôn, cai ngục tẩu thoát. Nhị ra lệnh cho người viết bài này mang chiếc xe đối không dã chiến để liên lạc với phi công đến ngay đài radar của sân bay.

Trên đường, Nhị cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mệnh lệnh trực tiếp cho Sở Chỉ huy rằng: “Ở Côn Đảo, những chiếc tàu không treo cờ đỏ, buộc phải vào bờ, không chấp hành sẽ công kích, không đánh chìm nhưng không cho chạy thoát”.

Phi đội cất cánh, đội hình 5 chiếc A-37 nối đuôi, Nguyễn Thành Trung dẫn đầu biên đội, ở phía sau vẫn những phi công đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4. Xa xa Côn Đảo như một chấm đen giữa biển xanh. Phi đội Nguyễn Thành Trung, Quảng, Lục, Để, Vượng bay dọc bờ biển phía Tây, vòng lại phía bờ Đông Côn Đảo, các anh quan sát và bay thấp… rất đông, có thể nói là tất cả các tàu đều treo cờ đỏ, một điều lạ là ngư dân vùng xa xôi này chỉ trong một ngày đã có cờ cách mạng làm cho các phi công chộn rộn khôn tả, một rừng cờ đỏ ở sân bay Cỏ Ống, cánh bay ta lướt qua, rất nhiều người giơ tay vẫy chào.

Nguyễn Thành Trung (bìa phải) nhận nhiệm vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất

Trên đài radar, sóng phản xạ đội hình của phi đội như những hạt gạo trong suốt, tiếng nói của phi đội trưởng trả lời tôi nghe rất rõ, Nguyễn Hồng Nhị mỉm cười, anh đã hoàn thành nhiệm vụ, anh điện báo về Sở Chỉ huy quân chủng còn phi đội… như những cánh thiên thần càng tiến gần tâm đài radar… Vậy mà hơn 30 năm qua và thời gian gần đây trong dư luận và trong hàng ngũ các đồng đội của Nguyễn Thành Trung râm ran câu chuyện về người chỉ huy phi đội quyết thắng và người dẫn phi đội đi làm nhiệm vụ ở Côn Đảo… Có lẽ, chuyện không quân ta theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi tuần thám ở địa ngục trần gian đến nay ít người biết và sự thật tác dụng rất to lớn. 

Và, có lẽ vì ảnh hưởng của Biên đội A-37 đến hàng ngàn tù Côn Đảo, người ta lại muốn giảm ảnh hưởng của Nguyễn Thành Trung và người nói là trong đơn vị cũ và đồng đội của Nguyễn Thành Trung, họ rất hùng hồn rằng trong biên đội bay ra Côn Đảo không có Nguyễn Thành Trung và Trung đã bị nghi ngờ từ sau trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, sự nghi ngờ Trung sẽ trốn chạy bằng máy bay A-37 ra nước ngoài càng rộ lên nhân dịp 38 năm ngày giải phóng thành phố. Người ta đã thổi phồng lên những điều tưởng tượng ra, thêm màu sắc của những bí ẩn mang màu sắc của kiếm hiệp chẳng hạn như Nguyễn Thành Trung cố tình không ném bom trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, Trung phải vòng lại lần thứ hai, phải ném bom vì có sự kiểm soát của các phi công khác và người nói lại hùng hồn rằng anh ta đã được lệnh bắn hạ nếu Nguyễn Thành Trung bỏ chạy…

Điều mà tôi biết rõ rằng chưa tới một tháng sau ngày ném bom ở Dinh Độc Lập, Pôn Pốt chiếm rất nhiều đảo của ta, trong đó có đảo Ông. Ta kêu gọi trả đảo nhưng không thành, hải quân ta phải điều đến một tiểu đoàn đặc công nhưng không sao đặt chân lên đảo, bộ đội hy sinh gần hết. Hải quân xin chi viện. Được lệnh, Nguyễn Thành Trung chỉ huy Biệt đội 2 chiếc A-37 ném bom ở sân bay Tân Sơn Nhất xuất kích, ném bom nổ và bom Napal vào vị trí của quân Pôn Pốt. Chỉ trong một ngày dưới sự chi viện có hiệu quả của không quân, quân ta đã giải phóng được đảo Ông, đánh bật bọn Pôn Pốt ra khỏi đảo Bà, giải phóng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

3. Tôi viết những dòng cuối cùng này nhân dịp chúng ta sắp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bây giờ, TP mọc lên những tòa nhà chọc trời, xe nhiều, người đông, trên đường cầu vượt, mặt đường mở rộng để tránh kẹt xe, TP đang cho đường chui xuống đất rộn ràng. Tôi gặp lại những con người một thời, Nguyễn Thành Trung vẫn say bầu trời, anh vẫn bay và rất kín tiếng, dường như trách nhiệm của người phi công chân chính đang thúc giục anh bay cao, bay xa hơn. Anh đã chứng minh bằng kết quả công việc. Anh là một phi công thượng thặng, anh đã cầm lái những chiếc phi cơ chở những nhà lãnh đạo Việt Nam bay khắp bầu trời và rồi những đố kỵ, lạc lõng đã không còn chỗ đứng trên mặt bằng của sự trung thực.

Tôi đã gặp lại Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh yếu đi nhiều, những năm tháng oanh liệt trên bầu trời vẫn làm cho anh sáng rỡ khi nhắc lại những năm tháng gian khổ. Anh đã trở thành Tổng Cục trưởng Hàng không dân dụng Việt Nam khi còn rất trẻ và con người đó đã cho biên soạn lịch sử Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

Điều tôi muốn viết ra đây chính là tấm lòng thật sự của Nguyễn Hồng Nhị với những phi công đã hy sinh. Anh đã đi, đã đến nơi chôn cất các liệt sĩ, đặc biệt là các liệt sĩ miền Nam, anh đã đưa họ về với gia đình bằng máy bay, anh chăm lo các gia đình liệt sĩ phi công như chính người trong gia đình anh. Nhị nói với tôi, mẹ anh bị giặc Mỹ giết chết, ném xuống giếng, nỗi đau của anh không bao giờ nguôi được, anh lo cho các phi công liệt sĩ để những người mẹ có con hy sinh ấm lòng. Anh thương lắm những người mẹ có con hy sinh, cũng như anh, mẹ anh đã hy sinh cho đất nước này…

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục