
Từ ngày 26-9 này, hơn 1.100 màn ảnh rộng ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đồng loạt công chiếu bộ phim "Painted Skin" – tên tiếng Hoa là "Họa bì". Phim của đạo diễn danh tiếng Hồng Công, Trần Gia Thượng (Gordon Chan), làm theo tiểu thuyết "Liêu Trai chí dị" của Bồ Tùng Linh (thời nhà Thanh, thế kỷ 17). Hồi tháng 6, hơn 100 hình ảnh diễn viên và cảnh phim đã được giới thiệu rộng rãi tại LHP Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc). Hiếm có bộ phim châu Á nào trước khi ra mắt lại được quảng cáo rầm rộ đến thế.
- Dự án đồ sộ, diễn viên đẳng cấp
Không phải ngẫu nhiên mà phim được "tung" ra đúng vào kỳ nghỉ lớn nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc (1-10). Là một trong những bộ phim lớn của điện ảnh Trung Hoa trong năm 2008, "Họa bì" quy tụ dàn diễn viên trẻ sáng giá nhất Trung Quốc hiện nay: Triệu Vy, Châu Tấn, Trần Khôn, Tôn Lệ, bên cạnh Chân Tử Đan, ngôi sao hành động nổi tiếng Hồng Công. Có đến 8 hãng phim từ Trung Quốc, Hồng Công, Singapore cùng đầu tư sản xuất, trong đó có Hãng phim Thượng Hải.

Đây mới là bộ phim đầu tiên của loạt gồm 3 phim dựa trên các câu chuyện độc đáo về "thế giới ảo dị" của Bồ Tùng Linh mà các nhà sản xuất có ý định thực hiện. Phần 2, dự tính khởi quay đầu năm 2009, hy vọng có sự tham gia của ngôi sao Chương Tử Di. Các nhà sản xuất cũng dự kiến sản xuất 3 sê ri phim truyền hình dựa theo 3 bộ phim này, mỗi sê ri kinh phí 30 triệu NDT (4,3 triệu USD) gồm 40 tập, với những dàn diễn viên khác nhau.
Khán giả yêu điện ảnh chờ đợi "Họa bì" không chỉ vì dàn diễn viên đẳng cấp mà còn vì đây là bộ phim "siêu nhiên" đầu tiên được thực hiện ở Trung Quốc, xuất phát từ một tác phẩm văn học cổ điển (áp phích phim có chú thích dòng chữ "Phim siêu nhiên phương Đông đầu tiên làm tại Trung Quốc"). Trong truyện của Bồ Tùng Linh, Vương Sinh là một thư sinh nho nhã, tình cờ gặp một cô gái trẻ xinh đẹp và đem lòng yêu thương rồi đưa về nhà chung chăn gối. Một đạo sĩ cho Vương cho hay đó chỉ là một "hồ ly tinh" chuyên đội lốt "da vẽ" quyến rũ hại người... Chuyện từng được các nhà điện ảnh Hồng Công dựng thành phim.
- Nửa hành động, nửa hư ảo

Dựa trên "sườn chính" câu chuyện, đạo diễn Trần chỉ khai thác phần nào khía cạnh kỳ bí nhằm chuyển tải thông điệp của mình: Đôi khi lằn ranh hư - thực rất mong manh; đôi khi sự giả dối, độc ác bên trong lại có vẻ bên ngoài thật quyến rũ; sự nhầm lẫn giữa giả dối và chân thực, giữa hình thức và nội dung cũng là điều thường tình người đời hay gặp phải; chỉ tình yêu đích thực mới mãi trường tồn... Vì thế, "Họa bì" trước hết là một bộ phim tình cảm, như đạo diễn Trần cho hay, về tình vợ chồng, về sức mạnh của tình yêu, tình anh em, tình bè bạn, về quan hệ phức tạp giữa người với người, sự mâu thuẫn rối rắm của nội tâm... làm một con người mạnh mẽ cũng có lúc bị mê hoặc bởi sắc đẹp và dục vọng.
Điểm khác nhiều với truyện là phim mang yếu tố hành động võ thuật, kết hợp chừng mực màu sắc tưởng tượng, ảo dị. Nhân vật chính không phải là chàng thư sinh yếu đuối mà là vị tướng trẻ họ Vương phong độ tài ba (Trần Khôn đóng). Trong chuyến viễn chinh miền Tây Tạng, viên tướng cứu sống một cô gái dáng vẻ ngây thơ (Châu Tấn đóng) đưa về nhà mà không hay biết đó chính là một "hồ ly tinh". Vợ Vương (Triệu Vy đóng), đức hạnh và yêu chồng, đùm bọc cô gái hết lòng trước khi bị cô ta hãm hại. Nhờ sự giúp đỡ của người anh chồng (Chân Tử Đan đóng) và cô bạn gái (Tôn Lệ đóng), chân tướng yêu nữ bị vạch trần... Đây là lần đầu tiên Châu Tấn và Triệu Vy – từng là đồng môn ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh – xuất hiện trong cùng một bộ phim.
NGỌC HÀ
Lần đầu tiên, một bộ phim có những tình tiết "kinh dị" (Châu Tấn "lột da", Triệu Vy bị biến thành "bạch mao nữ"…) được thực hiện ở Trung Quốc. Phim được quay chủ yếu ở phim trường Hoành Điếm. Cảnh khu phố miền Nam huyền ảo về đêm với rặng anh đào nở hoa lộng lẫy là một trong những cảnh phim tiêu biểu. Chiến trường ở sa mạc được dàn dựng khá quy mô, có sự tham gia của hàng trăm người. Phim cũng sử dụng kỹ thuật tạo hiệu ứng đặc biệt... "Họa bì" cũng sẽ ra mắt khán giả Việt Nam đầu tháng 10.