Liệu pháp "đặc trị" giải quyết khiếu nại kéo dài - Bài 3: Chỉ rõ trách nhiệm, tăng giám sát, chế tài

Sau khi Báo SGGP phản ánh về những kết quả tích cực bước đầu cũng như một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM. 

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: “Đối với những thông tin phản ánh, khiếu nại kéo dài thì phải tập trung xử lý và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Cấp trên sẽ không làm thay cấp dưới nhưng cấp trên sẽ giám sát và xử lý nếu cấp dưới có biểu hiện bao che hoặc đùn đẩy trách nhiệm”.

Liệu pháp "đặc trị" giải quyết khiếu nại kéo dài - Bài 3: Chỉ rõ trách nhiệm, tăng giám sát, chế tài ảnh 1  Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM. 
Cơ chế sáng tạo giải quyết thông tin, xử lý trách nhiệm

PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, bối cạnh cụ thể nào để Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Quy định 1374? 

Đồng chí NGUYỄN VĂN HIẾU: Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy là để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Thực ra, nội hàm của Quy định 1374 không có nội dung mới. Bởi vì hiện nay, việc xem xét, xử lý vi phạm của tập thể, cá nhân đã có các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, có lúc có nơi, việc chỉ đạo xem xét, xử lý các vi phạm chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, có trường hợp kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế này đòi hỏi phải có cơ chế khắc phục một cách hiệu quả.

Một cách khái quát nhất, Quy định 1374 là cơ chế chỉ đạo xem xét, xử lý liên ngành, vừa chỉ đạo giải quyết các thông tin phản ánh, vừa xem xét trách nhiệm của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Liệu pháp "đặc trị" giải quyết khiếu nại kéo dài - Bài 3: Chỉ rõ trách nhiệm, tăng giám sát, chế tài ảnh 2 Tại buổi sơ kết quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Thanh tra TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo việc xử lý kỷ luật phải tương thích về mặt Đảng lẫn chính quyền
Quy định 1374 là cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhằm đảm bảo các nguồn thông tin phản ánh, tố cáo về các dấu hiệu vi phạm của đảng viên được tiếp nhận và xử lý đầy đủ, theo thời hạn cụ thể. Vậy những điểm nổi bật của Quy định 1374 là gì?

Hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đều có các quy định tiếp nhận các kênh thông tin phản ánh để chỉ đạo giải quyết. Riêng Quy định 1374 tập trung chỉ đạo xử lý thông tin phản ánh từ 4 nguồn: ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội và hoạt động giám sát của MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố; phản ánh của báo chí. Hầu hết các nguồn mà Quy định 1374 đề cập đều từ phản ánh của nhân dân và mục đích là giải quyết các phản ánh của nhân dân, cán bộ, đảng viên góp ý, phản ánh cho cấp ủy, chính quyền các cấp.

Điểm nổi bật là khi có thông tin phản ánh thì tập thể, cá nhân có liên quan phải chủ động thực hiện báo cáo giải trình sự việc và đề xuất hướng xử lý. Trong đó, bí thư cấp ủy và cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên đó phải trực tiếp chỉ đạo. Trường hợp, nếu từ nguồn thông tin phản ánh này phát hiện tập thể, cá nhân có sai phạm thì cấp ủy phải xem xét, xử lý trong 45 ngày làm việc và công khai kết quả xử lý. Trường hợp cấp ủy có thẩm quyền không chỉ đạo xử lý hoặc xử lý không nghiêm thì cấp ủy cấp trên sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết, đồng thời xem xét trách nhiệm của cấp ủy cấp dưới. Ngoài ra, tại từng cấp đều chỉ đạo thành lập Tổ công tác 1374 để tổng hợp tình hình, tham mưu, đề xuất ban thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy tập trung chỉ đạo giải quyết các thông tin phản ánh liên quan địa phương, đơn vị mình.

Như vậy, Quy định 1374 một mặt quy định về quy trình để chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh, nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy từng cấp phải chủ động xử lý thông tin vụ việc liên quan đến cấp mình. Cùng đó, cấp trên sẽ giám sát việc xử lý đó, nhất là những vụ việc có dư luận phản ánh, thời gian giải quyết kéo dài mà không có chế tài chỉ đạo xử lý. Quy định 1374 cũng là kênh thông tin phản ánh trực tiếp của người dân, cán bộ, đảng viên đối với hành vi thực thi công quyền của cán bộ, công chức, đảm bảo mục tiêu phục vụ nhân dân của chính quyền các cấp.

Khắc phục lúng túng trong xử lý thông tin

Tình trạng chậm giải quyết thông tin, phản ánh, khiếu nại hoặc giải quyết kéo dài không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Gắn với yêu cầu thực hiện Quy định 1374 thì thực trạng trên sẽ được tập trung giải quyết ra sao, nhất là vấn đề trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của cấp ủy nơi có thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo nhằm chấn chỉnh tình trạng này?

Cũng phải khẳng định rằng hiện nay nguồn thông tin phản ánh rất nhiều, từ nhiều kênh khác nhau. Trong đó, nhiều nội dung thông tin phản ánh cần có thời gian để xác minh tính chính xác, khách quan. Do đó, Quy định 1374 tập trung chỉ đạo giải quyết các nguồn thông tin phản ánh có cơ sở xác định hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, đối với những thông tin phản ánh, khiếu nại kéo dài thì phải tập trung xử lý và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp đã được nêu rõ nên cấp trên không làm thay cấp dưới. Tuy nhiên, cấp trên sẽ giám sát và xử lý nếu cấp dưới có biểu hiện bao che hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Văn phòng Thành ủy tham mưu, đề xuất phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện Quy định 1374. Ứng dụng này sẽ hỗ trợ kịp thời đánh giá, xem xét những nguồn thông tin phản ánh của toàn Đảng bộ thành phố, xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị, hạn chế tình trạng phản ánh, khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Khi thông tin phản ánh được xác định có cơ sở để xử lý thì phải tập trung xử lý. Trong quý 3, quý 4-2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng thành lập 4 đoàn để giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên (kể cả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm) thông qua việc giải quyết các nguồn thông tin phản ánh theo Quy định 1374.

Thực tế, hiện có nơi vẫn chưa tập trung triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả Quy định 1374. Là cơ quan thường trực trong việc tham mưu, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy định 1374, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ thực hiện hoặc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện một số giải pháp gì để Quy định 1374 phát huy hiệu quả thật sự?

“Kết quả sau hơn 10 tháng thực hiện, cho thấy phản ánh của cử tri gửi đến các cơ quan dân cử và MTTQ, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, cán bộ, đảng viên và thông tin phản ánh của báo chí đã được các cấp chủ động chỉ đạo giải quyết. Tổ công tác 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập một số đoàn công tác, làm việc với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan để đôn đốc, nhắc nhở việc giải quyết thông tin phản ánh. 

Trong 9 tháng đầu năm 2018, qua triển khai thực hiện Quy định 1374, cấp ủy các cấp đã xử lý hơn 1.320 thông tin. Qua đó, kỷ luật 59 đảng viên có sai phạm từ mức khiển trách đến khai trừ. Về phía chính quyền, có 93 cán bộ, công chức bị kỷ luật từ mức khiển trách đến buộc thôi việc, có trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đồng chí NGUYỄN VĂN HIẾU

Quy định 1374 được ban hành từ tháng 12-2017, là quy định mới nên kết quả chỉ đạt được bước đầu. Đến nay còn có cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo thực hiện Quy định 1374. Tình trạng lúng túng trong việc phân loại nguồn thông tin phản ánh, hoặc chỉ bước đầu giải quyết thông tin phản ánh mà chưa chỉ đạo xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có sai phạm vẫn còn. Do đó, trong tháng 12-2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Quy định 1374. Buổi sơ kết sẽ đánh giá sâu, kỹ về những việc làm được, những tồn tại, hạn chế và giới thiệu kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả, cũng như đề ra một số giải pháp để chỉ đạo thực hiện trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tiếp tục thành lập các đoàn giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có liên quan để kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Quy định 1374. Đồng thời chỉ đạo xem xét trách nhiệm một số tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng chỉ đạo xử lý một số vụ việc vi phạm đã rõ và công khai kết quả xử lý. Đối với các nguồn thông tin phản ánh qua xem xét, kết luận là không chính xác, thì qua đó cũng bảo vệ tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có thông tin phản ánh sai sự thật, đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp thông tin phản ánh có ý đồ xấu.

Xin cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục