Vì vậy, siết chặt lại công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đang là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, xây dựng và đưa văn hóa liêm chính thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên, trở thành “liều thuốc kháng sinh” mạnh để góp phần đẩy lùi căn bệnh tham nhũng, tiêu cực đã và đang là giải pháp thiết thực.
Tại TPHCM, trong những tuần gần đây và trong suốt tháng 8, nhiều cuộc kiểm tra, làm việc về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (Ban chỉ đạo) được triển khai đều đặn, rộng khắp các địa phương, ngành, lĩnh vực. Trong đó, tạo cho được cơ chế phòng ngừa đủ chặt để “không thể tham nhũng” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chỉ đạo luôn quán triệt đến các đơn vị, địa phương.
Nhiệm vụ này được các đồng chí trong Ban chỉ đạo nêu rất cụ thể, là: kiên quyết chỉ đạo rà soát, bổ sung quy chế làm việc bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ. Hoàn thiện các cơ chế về kiểm soát quyền lực trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp đối với những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ…
Làm tốt, thường xuyên và kịp thời các yêu cầu trên thì chắc chắn sẽ không để xảy ra vụ án “chuyến bay giải cứu” thứ 2. Dư luận đồng tình ủng hộ phán quyết nghiêm minh của tòa qua bản án dành cho các bị cáo, nhưng cũng cảm thấy rất bức xúc vì những người là “công bộc của dân” lại lợi dụng kẽ hở, trục lợi từ chính sách nhằm vụ lợi, tham nhũng trên sự đau khổ của đồng bào mình trong lúc dịch bệnh hoành hành. Họ đã phản bội lại lời tuyên thệ thiêng liêng trước cờ Đảng, phản bội lại niềm tin của nhân dân, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội. Bản án nghiêm minh của tòa, bản án lương tri sẽ theo suốt cuộc đời của họ.
Qua vụ án trên và một số vụ án khác, một vấn đề đặt ra hiện nay là: còn nhiều chính sách công khác đã và đang đề ra hoàn toàn có thể bị biến thành cơ hội kinh doanh, kiếm chác nếu những cán bộ, đảng viên thực thi chính sách có tư tưởng làm liều, vun vén tư lợi, dễ bị cám dỗ, mua chuộc, dẫn đến thoái hóa, biến chất. Do vậy, nhất thiết và kiên quyết áp dụng những giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, với việc Đảng, Nhà nước thực hiện đồng bộ cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng”. Đi cùng với đó là việc chú trọng giải pháp 4K (kiểm tra, kiểm soát, kỷ luật và khuyến khích) trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động và quy trình liên quan đến việc quản lý tài sản và nguồn lực công, áp dụng công nghệ thông tin, khai thác dữ liệu và sử dụng các công cụ kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh xây dựng, tạo cơ chế phòng ngừa đủ chặt đó, điều kiện tiên quyết khác là phải chú trọng làm tốt “xây dựng văn hóa liêm chính”, đưa văn hóa liêm chính thấm sâu vào trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như lời đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, đã nhiều lần nhấn mạnh trong các hội nghị gần đây. “Liêm” - theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là trong sạch, không tham lam; luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân; không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Người cho rằng: “Cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Lời Bác dạy về tư cách người cán bộ vẫn vẹn nguyên giá trị!