Liệu báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phản ảnh đúng tình hình?

Sáng nay 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tại Phiên họp 23.

Là người đầu tiên phát biểu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Chính phủ cho biết, có đến 17/34 bộ, 17 địa phương, 13 tập đoàn, tổng công ty chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo về vấn đề này. Số lượng cơ quan đơn vị chưa báo cáo đầy đủ còn lớn như thế thì việc đánh giá tình hình có sát thực tế không? Thậm chí cả một cơ quan thuộc Bộ Tài chính là SCIC cũng chưa có báo cáo! Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những đơn vị sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhiều nhất, mà còn tới hơn một nửa chưa gửi báo cáo”.

Liệu báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phản ảnh đúng tình hình? ảnh 1  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Tán thành ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định, Báo cáo còn ít số liệu so sánh, cũng chưa biểu dương hay phê phán, đề nghị xử lý trách nhiệm của bộ ngành, địa phương nào một cách cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Giàu lo lắng: “Riêng việc sử dụng sai nguồn kinh phí tiền lương đã lên đến hàng trăm tỷ đồng như thế là quá nguy hiểm, dẫn đến không công bằng trong quản lý ngân sách nhà nước. Phát hiện xong có thu hồi hay không? Tiền đâu chịu nổi! Ngược lại, một số chính sách thí điểm được coi là tốt, nhưng lại chưa được đánh giá cụ thể như khoán xe công, mua sắm tập trung”…
Liệu báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phản ảnh đúng tình hình? ảnh 2 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong ngày 12-4 sẽ báo cáo Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu những đơn vị chưa thực hiện việc báo cáo theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: quochoi.vn
Phản hồi ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày hôm nay 12-4 sẽ đề nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu những đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã tiếp thu yêu cầu đánh giá cụ thể việc thực hiện chủ trương khoán xe công, trung tâm hành chính công và cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo.

Liệu báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phản ảnh đúng tình hình? ảnh 3 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không hài lòng khi vẫn còn nhiều nơ không thực hiện việc báo cáo theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ra không hài lòng khi việc báo cáo về nội dung nói trên đã được Quốc hội cho lùi từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sau mà vẫn còn nhiều nơi không thực hiện.

Còn Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhận định, việc nhiều cơ quan chưa báo cáo nghiêm túc chứng tỏ nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa "thấm” đến từng cơ sở.

"Dễ nhất là làm báo cáo mà cũng không đầy đủ", ông Tuý nhận xét.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức phê bình các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa có báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Ông Hiển cũng lưu ý cả cơ quan xây dựng báo cáo và cơ quan thẩm tra phải điều chỉnh lại số liệu cho sát đúng tình hình của năm 2017.

Theo báo cáo Chính phủ, có đến 14/34 bộ, ngành, 17/63 địa phương và 13/23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Tương tự, còn 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi chương trình hành động cho Bộ Tài chính.

Tin cùng chuyên mục