Nỗi ám ảnh của vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 13 người tử vong hồi cuối năm 2016 khiến dư luận chưa hết rúng động thì đến tháng 7-2017, tiếp tục xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất kẹo thuộc địa bàn huyện Hoài Đức cũng thuộc TP Hà Nội khiến 8 người chết oan ức. Ngày 21-12 vừa qua lại xảy ra vụ cháy quán beer club Ruby trên đường Nguyễn Trãi (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khiến 6 người chết. Đáng trách là nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy làm nhiều người tử vong vẫn xuất phát từ nguyên nhân hàn xì.
Theo Công an thị xã Long Khánh, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do hàn xì. Cụ thể, vào chiều 21-12, chủ quán gọi nhóm thợ hàn đến để sửa lại quán. Trong quá trình làm việc, lửa hàn đã gây ra vụ cháy. Thời điểm lực lượng cứu hộ cứu nạn của Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai xông vào cứu 7 người ra ngoài thì tất cả nạn nhân đều còn sống nhưng khi đưa đến bệnh viện thì 6 người đã tử vong (người còn lại bị hôn mê sâu và sau đó cũng đã tử vong), nhiều khả năng do các nạn nhân hít khói độc quá nhiều nên không qua khỏi. Người dân địa phương cho biết, quán beer club Ruby hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, trước đó khoảng một tháng quán tạm đóng cửa để nâng cấp. Do ngôi nhà thuộc dạng nhà ống, chỉ có lối thoát duy nhất phía trước đã bị khói lửa tỏa kín khi cháy nên các nạn nhân không thể thoát ra ngoài.
Những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra, tính mạng của con người cùng hàng chục tỷ đồng có thể mất đi vĩnh viễn chỉ vì sự bất cẩn đến từ một tia lửa của việc hàn xì. Khi hàn hoặc cắt kim loại, nhiệt độ ở tâm ngọn lửa có thể đạt đến 3.000°C. Khi gặp vật liệu dễ cháy, hiểm họa là khôn lường và thực tế đã chứng minh điều đó. Theo lực lượng PCCC, mỗi năm trên cả nước ghi nhận hàng chục vụ hỏa hoạn được xác định nguyên nhân trực tiếp là do hàn xì. Theo thống kê, khảo sát của Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07 - Công an TPHCM) nhận thấy phần lớn các cơ sở hàn cắt kim loại là những cơ sở nhỏ và vừa nên việc huấn luyện về nghiệp vụ PCCC rất hạn chế, công nhân không được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về PCCC. Khi hàn cắt kim loại không có các biện pháp an toàn PCCC. Sử dụng các thiết bị hàn cắt (bình O2, gas, C2H2…) không đảm bảo an toàn. Thường trong quá trình hàn cắt không cử người trông coi; không có biện pháp cách ly các vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực hàn cắt; không chú ý đến tính an toàn của dụng cụ sử dụng để hàn cắt… Đặc biệt, người trực tiếp tổ chức hàn cắt kim loại thường không được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC, không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại, không biết các biện pháp phòng ngừa sự cố cháy nổ. Khi xảy ra sự cố, thợ hàn cắt kim loại cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên thường thiếu bình tĩnh, lúng túng, hoảng hốt; không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy khiến đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi cho thấy hiện nay phần lớn thợ hàn làm việc tại các cơ sở sản xuất, cơ sở gia công cơ khí nhỏ, hộ gia đình, lao động tự do không được đào tạo căn bản. Nhiều thợ hàn chủ yếu là tự truyền nghề cho nhau và không có kỹ năng PCCC, không ý thức được đặc tính nguy hiểm của việc cháy nổ từ hàn cắt kim loại cũng như không có biện pháp phòng ngừa sự cố. Nhiều thợ hàn nhìn nhận họ làm thợ thông qua “nghề dạy nghề”. Khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Thành, một thợ hàn khá lâu năm ở quận Tân Phú (TPHCM) thành thật cho biết: “Tôi vào TPHCM cả chục năm rồi, trình độ không có nên đi theo các thợ phụ việc rồi học nghề. Theo bạn hành nghề nhiều năm rồi tự ra làm riêng chứ không có bằng cấp chuyên môn gì. Mấy năm qua, nhóm chúng tôi nhận thầu nhiều công trình nhà xưởng, cửa sắt quanh khu vực vùng ven TPHCM và các tỉnh lân cận”. Trò chuyện với phóng viên Báo SGGP, nhiều thợ hàn khác cũng nhìn nhận họ chủ yếu trưởng thành từ “nghề dạy nghề” nên không được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC.
Rõ ràng, chỉ khi những vụ việc đau lòng xảy ra, dư luận mới bắt đầu nghĩ tới chuyện dường như “quy định” của nghề hàn xì đang bị bỏ qua. Trong một bài phân tích về nguyên nhân cháy nổ do hàn xì và các giải pháp phòng ngừa, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 - Công an TPHCM, nhấn mạnh: Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa đạt tới 3.000°C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700°C - 1.800°C. Trong quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1.000°C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu cháy. Đặc biệt, quy trình cắt kim loại có quá trình dùng luồng ôxy có lưu lượng và áp lực lớn thổi bạt lớp ôxýt kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài. Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút… (nhiệt độ bắt cháy khoảng 250°C - 400°C) sẽ rất dễ gây cháy. Nếu sự cháy không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý ban đầu, đám cháy sẽ phát triển.
Trước những nguy cơ cháy nổ nói trên, thợ hàn và những người có liên quan phải làm gì để đảm bảo an toàn PCCC? Thượng tá Huỳnh Quang Tâm khuyến cáo nên chuẩn bị đầy đủ các loại trang bị bảo hộ cá nhân (giày, găng tay, kính hàn…), chậu nước để làm nguội mỏ hàn. Sắp xếp nơi làm việc gọn gàng; kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị tại khu vực hàn. |