Được mùa rớt giá, do phá quy hoạch
Đầu năm 2018, câu chuyện “giải cứu” nông sản lại nóng khi hàng ngàn tấn củ cải trắng, su hào, bắp cải và nhiều loại rau xanh khác… không tiêu thụ được, rớt giá. Nguyên nhân của tình trạng được mùa rớt giá, trồng - chặt, theo TS Đỗ Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển nông nghiệp nông thôn, là do bà con nông dân phá vỡ quy hoạch của từng loại nông sản, ngành hàng mà Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương đã đưa ra, chứ không phải do “chưa có quy hoạch”. Các chuyên gia về nông nghiệp cũng cho biết rất nhiều loại nông sản hiện đã vượt diện tích so với định hướng đề ra. 2 năm nay, ở tỉnh Gia Lai, diện tích trồng hồ tiêu đã lên tới 15.500ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ là 6.000ha.
Nói về bài học cây hồ tiêu, theo ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ vượt quy hoạch dẫn tới tình trạng rớt giá thảm như hiện nay (có thời điểm chỉ còn 80.000 đồng/kg) là do vào năm 2015, khi giá hồ tiêu tăng cao (200.000 đồng/kg), các hộ nông dân đã mở rộng diện tích ngoài quy hoạch hoặc trồng xen canh (khoảng 15% diện tích). Thậm chí có nơi còn chặt cà phê để chuyển sang hồ tiêu. Tình trạng “được giá là phá quy hoạch” đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, trong khi đặc thù sản xuất nông sản ở nước ta là mùa vụ và phụ thuộc vào thời tiết, kém khâu thu hoạch - chế biến - bảo quản nên dẫn đến “điệp khúc” được mùa rớt giá, dư cung. Theo Bộ NN-PTNT, sau 15 năm, chăn nuôi heo của Việt Nam tăng 3 lần, sản xuất sữa tăng 15 lần, nhiều loại rau củ quả tăng 3-4 lần nhưng năng lực chế biến, dự trữ với rau chỉ khoảng 5%, thịt chỉ 1%.
Có nên tiếp tục giải cứu?
Từ vụ thịt heo ế ẩm, chuối rớt giá đến củ cải trắng, su hào… dư thừa cứ lặp đi lặp lại nên doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng không còn quá nhiệt tình với việc giải cứu nữa. Bởi bài toán của doanh nghiệp là lợi nhuận, họ không thể mua giá cao, người tiêu dùng cũng không chịu chọn sản phẩm giá đắt khi thị trường đang dư thừa. Trong cuộc họp bàn cách giải cứu củ cải trắng ở Mê Linh (Hà Nội) cũng như sau vụ thịt heo năm 2017, nhiều doanh nghiệp không ngại bày tỏ rằng không thể tiếp tục giải cứu nông sản bởi sẽ tạo điều kiện để nông dân phá vỡ quy hoạch, sản xuất theo kiểu được giá là đua nhau làm.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, cốt lõi cho vấn đề tiêu thụ nông sản ở nước ta là các cơ quan chức năng phải tập trung nghiên cứu và dự báo về thị trường để cung cấp cho nông dân lẫn doanh nghiệp. Phải có dữ liệu thì mới biết trồng cây gì, nuôi con gì và ở mức độ bao nhiêu là phù hợp. Đối với định hướng quy hoạch, ông Ngô Trí Long đề nghị cần phải linh hoạt theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường, còn như hiện nay quy hoạch hình thức và máy móc, không xuất phát từ cầu.
Vậy còn vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng nông dân phá quy hoạch? Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước không thể kiểm soát được việc nông dân trồng cây gì, nuôi con gì mà nên trao quyền tự quyết này cho nông dân. Bởi khi nông sản nào được giá, nông dân sẽ ồ ạt đầu tư vì đó là quy luật kinh tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng vẫn cần phải có vai trò quy hoạch và định hướng của cơ quan chức năng. Để tránh lặp lại tình trạng nông sản dư thừa, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, nắm được thông tin để có điều chỉnh ngay từ đầu năm và hướng dẫn sát sao hơn, tránh rủi ro cho nông dân.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện Bộ NN-PTNT đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi theo tinh thần chăn nuôi sẽ là ngành có điều kiện về môi trường và thị trường. Ngoài đảm bảo môi trường, muốn mở trang trại chăn nuôi phải có thêm giải pháp về thị trường. Trước khi bắt đầu chăn nuôi, người dân phải biết sản lượng làm ra bao nhiêu và sẽ tiêu thụ ở đâu… Luật Chăn nuôi sẽ là công cụ để Nhà nước kiểm soát tình trạng chăn nuôi tràn lan không theo định hướng quy hoạch. Liên quan vấn đề “đầu ra” nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho rằng mấu chốt hiện nay là phải phát triển được chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng nông dân đổ xô trồng - chặt, cần hình thành các HTX để nhóm vào các mặt hàng, không để nông dân tự phát. Bên cạnh đó, nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tăng cường chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, sẽ không còn cảnh được mùa rớt giá, trông đợi giải cứu.