Trước đó, bệnh nhi này được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát bệnh trong tình trạng phổi tổn thương, suy hô hấp… và xét nghiệm phát hiện trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei nên được bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và nhiễm Whitmore. Ngoài trường hợp tử vong nêu trên, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 1 bé trai 10 tuổi (ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa).
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, gần đây ghi nhận liên tiếp 3 ca mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra, trong đó có 2 ca là trẻ em ở Thanh Hóa và 1 ca là người lớn ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Theo Bộ Y tế, khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. Dù đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng tỷ lệ tử vong cao do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei có thể gây hoại tử làm chết các mô, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng nên thường được gọi là “khuẩn ăn thịt người”.
Đề phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh…