Theo lộ trình, từ hôm nay 1-7, các BV thuộc Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm; đến năm 2025 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm tất cả BV trên toàn quốc.
Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), xung quanh việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Lấy máu xét nghiệm máu tại một cơ sở y tế
° PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng hầu hết các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau và lạm dụng xét nghiệm đối với người bệnh?
° PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Hiện nay, trung bình hàng năm các BV trong cả nước thực hiện khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm khoảng 10%/năm, cao hơn số tăng của bệnh nhân khá nhiều. Hiện nay, chi phí dành cho xét nghiệm chiếm 16% - 20% tổng chi phí cho y tế. Với số lượng xét nghiệm lớn như vậy, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm, thì mỗi năm sẽ có khoảng 4,75 triệu lượt người bệnh không phải thực hiện xét nghiệm tại các BV. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng, thì việc các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau giúp tiết kiệm hơn 237 tỷ đồng/năm.
° Xin ông cho biết về lộ trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh?
° Theo đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, trước ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV hạng đặc biệt và hạng 1; đến năm 2020 sẽ liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố; năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Còn trước mắt, bắt đầu hôm nay sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với 38 BV trực thuộc Bộ Y tế.
° Tại sao mới chỉ có các BV trực thuộc Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm?
° Thực tế hiện nay, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Kết quả khảo sát 330 phòng xét nghiệm ở 22 tỉnh, thành phố cho thấy có 73% đạt yêu cầu về nhân lực, 90% phòng xét nghiệm đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất. Do đó, để chuẩn bị cho việc công nhận mức chất lượng xét nghiệm, 10 năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm.
Bộ Y tế ban hành Chương trình hành động nâng cao chất lượng xét nghiệm, thành lập các trung tâm kiểm chuẩn; có các thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm, xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý chất lượng, xây dựng danh mục các xét nghiệm có thể được liên thông công nhận kết quả.
Đồng thời, Bộ Y tế còn phối hợp với các chuyên gia của Mỹ và Tổ chúc Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam tổ chức tập huấn, đào tạo các chương trình quản lý chất lượng xét nghiệm; thực hiện gần 4.000 chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm. Hiện nay, Việt Nam cũng đã thành lập 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm thuộc Sở Y tế TPHCM, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TPHCM để giúp các phòng xét nghiệm thực hiện đánh giá, kiểm chuẩn.
° Để các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, đòi hỏi những điều kiện nào, thưa ông?
° Phải có các điều kiện quan trọng, như: chất lượng xét nghiệm phải bảo đảm thông qua quy trình quản lý chặt chẽ, chính xác và độ tin cậy cao; xác định được danh mục những xét nghiệm có thể sử dụng lại kết quả trong khoảng thời gian nhất định. Còn để liên thông kết quả xét nghiệm trên quy mô quốc gia, phải đáp ứng 3 nội dung: Xây dựng được tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học; tổ chức đánh giá và công bố mức chất lượng phòng xét nghiệm; xây dựng danh mục xét nghiệm có thể liên thông...
Tuy nhiên, theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, khi kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.