Nhìn lại đợt hạn, mặn lần này rất khắc nghiệt khi bắt đầu từ tháng 12-2019 và đến nay đã gần 5 tháng. Số liệu mới nhất có hơn 90.000 hộ dân vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt sinh hoạt, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Trong 5 năm qua, từ đợt hạn mặn lịch sử 2016 đến nay, cứ đến mùa hạn, mặn là người dân vùng ven biển ĐBSCL phải tất bật chạy lo tìm nguồn nước ngọt.
Khắc phục thiếu nước, các ngành chức năng và nhiều đơn vị thiện nguyện, chính quyền đã chủ động dùng xe bồn, sà lan chuyển nước ngọt đến chia sẻ phần nào khó khăn cho người dân là việc làm rất đáng trân quý. Song, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, ĐBSCL cần có những giải pháp căn cơ để cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân và điều tiết hợp lý cho các vùng sản xuất nông nghiệp.
Một trong những nguồn nước cung cấp quan trọng cho ĐBSCL là sông Mê Công. Tuy nhiên, việc các quốc gia thượng nguồn xây dựng hàng loạt thủy điện và có nơi đã tích nước khá lớn ở các đập thủy điện, khiến dòng sông này đang trở nên cạn kiệt. Lưu lượng nước cung cấp từ sông gần như “bằng không” đối với ĐBSCL. Trong khi đó, nước biển dâng, các đợt triều cường từ biển Đông, biển Tây ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng. Việc điều tiết nước ngọt ở ĐBSCL sẽ là “bài toán” thường niên dài hạn cho cả vùng. Nguồn cung cấp nước ngọt cho người dân dùng hiện nay thông qua hai hệ thống: Các nhà máy nước lớn cung cấp cho người dân khu vực các đô thị và các “trung tâm cấp nước mi ni” cung cấp cho khu vực nông thôn. Cao điểm đợt hạn mặn 2020, nhiều “trung tâm cấp nước mi-ni” phải ngừng hoạt động do nước mặn lấn sâu. Trong khi đó, hệ thống cung cấp nước từ các nhà máy nước có công suất lớn cũng chỉ loanh quanh khu vực nội đô.
Mùa khô 2020, có lúc nước mặn xâm nhập vào sâu đến 110km. Tuy nhiên, trên hai trục sông chính (sông Tiền và sông Hậu) nhiều khu vực trung tâm đô thị vẫn lấy nước ngọt cung cấp tốt cho người dân. Vấn đề đặt ra là, làm sao từ các nhà máy nước ngọt này liên thông cung cấp đến người dân vùng ven biển. Hiện tại, ĐBSCL có nhiều nhà máy nước có công suất lớn, nhưng không tải đến được người dân vùng thiếu nước ngọt. Trong khi đó, việc các nhà máy có công suất lớn ở các đô thị và nằm ven sông Hậu, sông Tiền muốn mở rộng cung cấp khu vực nông thôn lại thiếu nguồn vốn đầu tư. Lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp nước cho biết, tiền để đầu tư kéo đường ống hiện nay rất đắt đỏ. Ngoài số tiền phải bồi hoàn khi làm đường ống dẫn nước đi qua đất của dân, việc đầu tư các đường ống âm dưới đất khi đi qua kênh, mương rất cao. Đây là trở ngại lớn nhất cho việc đấu nối liên thông nguồn cung cấp nước ngọt ở ĐBSCL hiện nay.
Gần 3 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng đến nay tình trạng người dân vùng ven biển thiếu nước ngọt vẫn trầm kha. Điều này đòi hỏi các bộ ngành liên quan và các địa phương trong vùng cần khẩn trương triển khai các giải pháp; trong đó, phải dành nguồn vốn nhất định để các tỉnh trong vùng đầu tư đấu nối hệ thống cung cấp nước, sớm hoàn thiện hệ thống cung cấp nước liên thông giữa các tỉnh trong vùng. Đó cũng là nguyện vọng của hàng trăm ngàn người dân vùng ven biển ĐBSCL.