Ngày 20-11, Bộ Y tế phối hợp các bộ NN-PTNN, TN-MT, Công Thương, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số đối tác tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam, giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045 và hưởng ứng "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc".
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo, tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam, bất chấp những tiến bộ khoa học đạt được trong 10 năm qua. Các dữ liệu gần đây cho thấy, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Tình trạng lạm dụng và sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh ở người, động vật và thực vật là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển nhiễm trùng kháng thuốc. Đồng thời, do thiếu thực hành kê đơn thuốc hợp lý và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng góp phần gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù đã có quy định yêu cầu kê đơn tất cả loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020, nhưng Việt Nam hiện vẫn có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao trong ngành chăn nuôi. Việc lạm dụng, sử dụng không hợp lý này góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh, tăng nguy cơ lây nhiễm cho người tiêu dùng.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành chức năng ký kết văn bản phòng chống kháng thuốc |
Theo Bộ Y tế, để phòng chống kháng thuốc, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn, luôn tuân thủ lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần người bệnh, tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.
Nhân dịp này, các đơn vị đã ký văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc, nhằm chung tay hành động thực hiện kêu gọi của WHO “Cùng nhau ngăn chặn kháng thuốc”.