Hôm nay, 30-8, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhật Bản với nỗ lực, mà theo báo chí Ấn Độ, là nhằm đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật đã được “thử thách qua thời gian” lên mức cao mới và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Hai ngày trước khi Thủ tướng Modi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này và Ấn Độ đã nhất trí hợp tác sản xuất đất hiếm để xuất khẩu sang Nhật Bản sớm nhất vào năm 2015. Theo báo Nikkei, ông Modi và người đồng cấp nước chủ nhà Shinzo Abe dự kiến sẽ nhất trí về thỏa thuận hợp tác trên trong cuộc họp cấp cao tại Tokyo ngày 1-9. Việc sản xuất sẽ do công ty Đất hiếm Ấn Độ (IREL), công ty con của Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, và tập đoàn thương mại Toyota Tsusho của Nhật Bản đảm trách.
IREL sẽ sản xuất các nguyên liệu đất hiếm hỗn hợp từ uranium và quặng thorium, sau đó, tập đoàn Toyota Tsusho sẽ dùng các nguyên liệu này để sản xuất lanthanum, cerium, praseodymium và neodymium - chất dùng cho ôtô điện và các phương tiện hybrid (sử dụng động cơ đốt trong và động cơ điện).
Trong khuôn khổ thỏa thuận này, mỗi năm, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ 2.000 đến 2.300 tấn đất hiếm - tương đương 15% nhu cầu sử dụng của các nhà sản xuất Nhật Bản mỗi năm - và đợt giao hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 2-2015.
Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Trung Quốc gần như độc quyền về sản xuất và xuất khẩu đất hiếm, mặc dù nước này chỉ chiếm 23% tổng dự trữ trên thế giới.
Hiện nay, Trung Quốc cung cấp tới 60% nhu cầu tiêu thụ đất hiếm của Nhật Bản. Quyết định này cho thấy quyết tâm của Nhật tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh ngày càng leo thang do các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ năm 2011, khiến Trung Quốc ấn định hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Trước khi bắt tay cùng sản xuất với Ấn Độ, Nhật Bản đã ký kết những thỏa thuận cùng phát triển nguồn nguyên liệu quan trọng này với Việt Nam và Kazakhstan.
Ông Modi hy vọng chuyến thăm 4 ngày sẽ thành công và đạt được nhiều kết quả tốt với Tokyo. Bên cạnh lĩnh vực đất hiếm, năng lượng hạt nhân dân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ còn hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận để mua thủy phi cơ US-2 - mặt hàng nằm trong diện từng bị cấm xuất khẩu và chuyển giao quốc phòng trong gần 50 năm qua của Nhật Bản.
Như vậy, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia “mở hàng” mua máy bay quân sự Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II. Ngoài việc mua thủy phi cơ US-2, theo tiết lộ của báo chí, Nhật Bản cũng sẽ cho phép Ấn Độ hợp tác sản xuất các trang thiết bị của loại máy bay này trên lãnh thổ Ấn Độ.
Việc chọn Nhật Bản cho thấy chính quyền Ấn Độ muốn chứng minh mối quan hệ ngày càng nồng ấm, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng mà báo chí những ngày gần đây ví von mối quan hệ này như một “liên minh Ấn Độ - Nhật Bản”. Liên minh này được dự báo sẽ tập trung vào đối phó với rủi ro đang ngày một gia tăng do sự phát triển sức mạnh quân sự cũng như thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực.
HẠNH CHI