Trong báo cáo mới nhất, Liên hiệp quốc cho biết, năm 2020 ghi nhận 106 vụ cướp biển xảy ra tại điểm nóng mới này với 623 thuyền viên bị bắt cóc, đa phần là người nước ngoài. Các băng nhóm cướp biển đã thu về khoảng 5 triệu USD tiền chuộc.
Theo thống kê của Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB), vốn giám sát an ninh trên biển, số vụ tấn công bắt cóc xảy ra trên vịnh Guinea trong năm 2020 chiếm hơn 95% tổng số vụ trên toàn thế giới.
Vịnh Guinea là vùng biển rộng lớn của Đại Tây Dương với hơn 20.000 lượt tàu thuyền qua lại mỗi năm. Trải dài từ Senegal đến Angola, đây là tuyến vận tải hàng hải chính đối với dầu thô, nhiên liệu tinh chế và hàng hóa khác của các nước trong khu vực.
Theo Liên hiệp quốc, để đối phó với nạn cướp biển, các quốc gia ven biển ở khu vực vịnh Guinea phải tiêu tốn nhiều hơn số tiền chuộc trả cho cướp biển để đảm bảo an toàn hàng hải. Các nước phải triển khai hoạt động tuần tra quy mô lớn và liên tục, thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ và tăng cường an ninh tại các cảng biển. Tổng chi phí ước tính có thể lên tới hơn 1,9 tỷ USD/năm, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho các nhu cầu thiết yếu khác.
Vấn nạn cướp biển gia tăng cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh hàng hải khác của lực lượng hải quân các nước tại khu vực, hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời làm suy yếu năng lực kiểm soát các vùng nước ven bờ và ngoài khơi tại khu vực. Nền kinh tế xanh cũng vì thế mà phát triển chậm lại. Ngoài ra, nạn cướp biển hoành hành còn làm gia tăng tình trạng buôn lậu và đánh bắt cá bất hợp pháp.
Nhận thức rõ mối nguy này, hơn 100 công ty hàng hải, vận chuyển và hiệp hội thương mại quốc tế đã ra tuyên bố chung, kêu gọi thành lập liên minh chống cướp biển nhằm hạn chế nạn cướp biển khu vực vịnh Guinea. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước và hải quân địa phương, xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin tình báo, cũng như thực thi các biện pháp để ngăn chặn và bắt giữ các băng nhóm tội phạm.