Đại sứ Julien Guerrier cho biết, EU có Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) về đầu tư xanh và phát triển bền vững. Dự kiến sẽ có khoảng 300 tỷ euro được huy động đến năm 2027 để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ số, y tế, giao thông, khí hậu, năng lượng, giáo dục.
Thông qua sáng kiến này, EU mong muốn có thể huy động được nguồn vốn hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh nhằm thực hiện tham vọng đến năm 2050 phát thải ròng về 0.
Trong lĩnh vực GTVT, Việt Nam sẽ được hỗ trợ các giải pháp, dự án với mục tiêu thúc đẩy hạ tầng giao thông có khả năng chống chịu tốt, bền vững, an toàn ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Cụ thể, tới đây EU sẽ cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam theo cách tiếp cận nhóm, gồm EU, các nước thành viên và các định chế tài chính, tập trung vào hạ tầng, đặc biệt là đường sắt. Hai bên cần tiếp tục trao đổi để có thể hiện thực hóa được các hợp tác này.
Hiện các cơ quan viện trợ, các định chế tài chính như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... rất quan tâm và đã có sự hỗ trợ phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM và các dự án giao thông khác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị EU tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Bộ GTVT trong việc thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời, hỗ trợ Bộ GTVT triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng như triển khai xây dựng tuyến điện khí hóa.
Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng đề nghị EU và Việt Nam tăng cường hợp tác về cảng biển và logistics, trước mắt nghiên cứu về khả năng thiết lập tuyến vận tải biển xanh kết nối giữa cảng Lạch Huyện và cảng Cái Mép - Thị Vải với các cảng EU như cảng Antwerp (Bỉ), cảng Rotterdam (Hà Lan).