Khi tư nhân cùng vào cuộc
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giới xuất bản tư nhân đã có sự trưởng thành đáng ghi nhận, họ không chỉ bản lĩnh trong nghề nghiệp mà ngày càng có trách nhiệm với xuất bản phẩm của mình. “Vì họ ý thức được một điều, đã đến lúc sân chơi này đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng mới có thể tồn tại, mới có thể bán được”, ông Lê Hoàng nói. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (viết tắt là Cục Xuất bản) cho rằng, thực hiện chủ trương xã hội hóa, việc tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động liên kết xuất bản là đặc biệt quan trọng. Và chính nó là động lực phát triển của ngành những năm qua. “Số lượng sách trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng đều từ 7%-10%/năm. Góp phần tạo sức tăng trưởng đó có sự đóng góp quan trọng của khối tư nhân”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Bức tranh tổng thể của ngành xuất bản trong những năm gần đây có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Ngoài sự phong phú, đa dạng giữa các đầu sách, đề tài, thể loại, độc giả trong nước còn được tiếp cận với những đầu sách có giá trị cả trong nước lẫn quốc tế, thậm chí tiếp cận cùng thời điểm với độc giả thế giới khi một ấn phẩm nào đó vừa ra mắt. Điều này phải nhờ đến sự “chịu chi” của các đơn vị xuất bản tư nhân thông qua việc đầu tư giao dịch bản quyền cũng như tham gia các hội chợ sách quốc tế.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực của liên kết xuất bản, nhưng thực tế cũng cho thấy phương thức này bộc lộ không ít bất cập, dẫn đến tình trạng sai phạm diễn ra nhiều năm qua. Từ đầu năm đến nay, Cục Xuất bản đã xử lý 2 trường hợp với gần 100 triệu đồng tiền phạt. Ông Nguyễn Nguyên nói: “Có một số NXB hiện nay đang buông lỏng quản lý quy trình liên kết, từ biên tập đến in ấn, phát hành. Vừa qua, trong quá trình triển khai công tác, cục cũng đã thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện đúng quy trình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Gỡ vướng
Ngoài 59 NXB, hiện tại cả nước đang có hơn 150 đơn vị xuất bản tư nhân, trong đó có những đơn vị đã trở thành thương hiệu uy tín đối với độc giả trong nước như First News, Nhã Nam, Thái Hà Books, Phương Nam Books, Alpha Books... Họ không chỉ có tiềm lực về kinh tế mà luôn có sự đổi mới, sáng tạo nhằm mang đến thị trường những đầu sách giá trị. Theo chia sẻ của bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, điều quan trọng nhất mà liên kết xuất bản đã giải phóng được, đó là tính sáng tạo cá nhân. Nếu không có chủ trương này, những người thực sự quan tâm đến lĩnh vực xuất bản và muốn cống hiến cho lĩnh vực này, hay muốn phát triển bản thân ở lĩnh vực này sẽ rất khó có thể thực hiện được. Cơ chế cho phép tư nhân đầu tư vào xuất bản cũng có nghĩa là khuyến khích họ mang vào ngành các nguồn lực mới, bao gồm cả những thử nghiệm mới. “Tôi nghĩ, việc tư nhân cùng tham gia vào hoạt động xuất bản là một trong những bước ngoặt lớn của ngành. Thành tựu từ chính sách này là thành tựu có tính kế thừa bền vững”, bà Ngô Phương Thảo nói thêm.
Rõ ràng, xã hội hóa trong lĩnh vực xuất bản với việc tham gia của các đơn vị tư nhân là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, vì sao vẫn có những sai phạm kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến không ít đầu sách bị “thổi còi”, bị thu hồi hoặc bị tiêu hủy vĩnh viễn; các bên liên quan bị xử phạt hành chính? Bà Đinh Thị Phương Thảo, Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ thẳng thắn: “Sai phạm không chỉ ở công ty sách mà trước hết vẫn là ở NXB, bởi NXB chịu trách nhiệm toàn diện nội dung, xuất bản phẩm mà mình cấp phép. Bản thân NXB vì đối tác mà bỏ qua các khâu theo quy định của Luật Xuất bản, tự buông lỏng, thì mới xảy ra tình trạng sách bị thu hồi, sách có vấn đề. Việc liên kết xuất bản là chủ trương đúng, nhưng mình phải thực hiện đúng mới phát huy được hiệu quả. Còn không, nếu thả nổi theo kiểu cấp giấy phép vô tội vạ sẽ dẫn đến những cái sai”.
Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, trong thời gian tới, vấn đề liên kết vẫn cần phải đặt ra, cần được triển khai đẩy mạnh hơn nữa. “Nhưng để làm tốt hơn hoạt động liên kết thì không đơn thuần là trách nhiệm của riêng NXB hay đối tác liên kết mà cần có những chính sách đầu tư của Nhà nước, nhất là vấn đề kinh tế. Giải quyết bài toán kinh tế là vấn đề quan trọng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, trong đó có giám đốc, tổng biên tập”, ông Nguyễn Nguyên đề xuất.