Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM là để đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đây là cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, hạ tầng, nhà ở, giao thông, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị cần tiếp cận theo hướng đột phá, ưu tiên, bổ sung tầm nhìn mới cho thời gian tới. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững, giảm rác thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, quy hoạch mà không làm rõ mối quan hệ giáp ranh với các tỉnh thì sẽ mất đi khả năng kết nối rất lớn về giao thông, không gian của TPHCM. Khi nói tới TPHCM cần nói đến thành phố biển (biển Cần Giờ), mới thấy hết giá trị không gian của thành phố. Đây là cơ hội để thành phố phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, thành phố phải quyết tâm khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3 TPHCM và cuối cùng là đường Vành đai 4 để kết nối toàn vùng TPHCM. Cùng với đó, thành phố cần đầu tư xây dựng các đường xuyên tâm, đường sắt.
Một số ý kiến của đại biểu lưu ý rằng, các địa phương cần quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.
Đồng thời, các tỉnh, thành trong vùng liên kết đô thị cần phải hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương; tận dụng lợi thế của kết nối trên “không gian ảo” để liên kết vùng toàn diện.