Một lần nữa, một số vấn đề “nóng” ở ĐBSCL được đánh động, như: Sạt lở bờ sông, bờ biển; nước biển dâng cao nhanh, ranh giới giữa vùng ngọt và mặn ngày càng bị xáo trộn kéo theo nguy cơ vùng trồng lúa bị xâm nhập mặn. Song nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL đang có cơ hội để vượt qua những thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH) nếu liên kết thực hiện những giải pháp căn cơ.
Cần chuyển sang cách tiếp cận tích cực hơn
Theo lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, hiện các tỉnh đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch của địa phương trên cơ sở Quy hoạch vùng ĐBSCL (được Thủ tướng Chính phủ công bố vào tháng 6-2022).
“Thay vì kể lể nhiều, ĐBSCL cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn. Câu chuyện thích ứng với BĐKH là chuyện của đồng bằng chứ không phải chuyện riêng lẻ của từng tỉnh trong vùng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung để tăng tỷ trọng trong lĩnh vực thủy sản và cây ăn trái, giảm lúa gạo. Quy hoạch diện tích trồng lúa hiện nay là linh hoạt có độ mở chứ không đóng khung”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
“Giá trị tích hợp là giá trị trên một đơn vị diện tích đó, trên không gian địa lý đó tạo ra giá trị cao hơn. Lúc đó không cần phân biệt là lúa hay là nông sản nào. Trước đây, chúng ta đo qua sản lượng đơn ngành, bây giờ chúng ta phải đo sản lượng qua đa ngành. Trong đa ngành, thị trường yêu cầu chúng ta phải chuyển đổi một cách linh hoạt theo từng giai đoạn. Bây giờ có hai câu chuyện, một là chúng ta áp đặt (diện tích) cho, hay là không cho; hai là chúng ta để người nông dân tư duy và cùng với họ chung tay làm. “Chúng ta” ở đây là: Chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng với nông dân bàn nhau cho thấu đáo câu chuyện trong từng dự án chuyển đổi để đạt được sự đồng thuận”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói. |
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, với Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành năm 2017, Việt Nam đã đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy để hướng tới mô hình chủ động sống chung với thiên nhiên. Tác động của BĐKH, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của ĐBSCL. Đã bắt đầu có chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng. Nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL và chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp vùng.
Hỗ trợ từ WB
“WB đã đồng ý phát triển một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ BĐKH. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ thông qua việc huy động kiến thức hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của các bạn”, bà Carolyn Turk cho biết.
Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là 1/5 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do BĐKH gây ra. Song, châu thổ miền Tây, nằm ở hạ lưu sông Mê Công, từ lâu được thế giới biết đến là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Mekong Delta là một thương hiệu được thế giới biết đến. Cần phải chung tay hành động, không phải chống chịu mà cần liên kết kích hoạt khả năng thích ứng, phục hồi để phát triển bền vững”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng nếu ĐBSCL thực hiện tốt theo đúng tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và Nghị quyết 120 của Chính phủ (về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu)… thì ĐBSCL chẳng những giải quyết được vấn đề mà còn đi đến một tương lai thịnh vượng.
Theo báo cáo mới công bố của WB với tiêu đề “Hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp xanh ở Việt Nam”, Chuyển đổi sang trồng lúa carbon thấp giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải trong khi vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh. Theo đó, chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030. |