Liên kết toàn diện để vùng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm kinh tế chất lượng cao

Cần tăng cường phối hợp giữa Chính phủ, các cơ quan trung ương với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng để sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.

Ngày 20-7, phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương cần tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo bộ mặt Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Hà Nội đã chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung, thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình hành động xác định rõ vai trò, trách nhiệm, vị thế của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần đồng hành cùng các bộ, ngành trung ương và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng; mở rộng liên kết, hợp tác phát triển vùng, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng với nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Trên cơ sở đổi mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng; tăng cường phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan ở trung ương với các địa phương trong vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.

Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

"Đây sẽ là cơ sở để sắp xếp, tổ chức phân bố không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong quá trình xây dựng quy hoạch sẽ tính tới việc liên kết, kết nối vùng mà Hà Nội đóng vai trò trung tâm", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ. Đồng thời cho rằng cần tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Tin cùng chuyên mục