Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, trong số 474 chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp cần cải tạo, sửa chữa, phá dỡ xây mới, có 13 chung cư thuộc nhóm D - loại xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm phải di dời khẩn cấp người dân ra khỏi chung cư, tuy nhiên đến nay, TP vẫn chưa thực hiện được.
Theo báo cáo của các quận huyện, phần lớn các chung cư này diện tích đất quá nhỏ, dân số đông nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Ví dụ chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) có diện tích 170m2 nhưng có 32 hộ cư ngụ, một số chung cư khác diện tích cũng chỉ vài trăm mét vuông nhưng có đến hơn 100 hộ cư ngụ. Theo quy định, những chung cư xuống cấp thuộc nhóm D buộc phải di dời dân ra khỏi chung cư để đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng hiện nay các chung cư này chưa có nhà đầu tư nên các chính sách về đền bù, tái định cư chưa có; các quận huyện muốn di dời nhưng cũng chưa có quỹ nhà tạm cư… nên việc di dời đang giậm chân tại chỗ. Cụ thể, tại quận 4 có 3 chung cư thuộc nhóm D với 400 hộ dân nhưng quận không có quỹ nhà để di dời.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng để tháo gỡ khó khăn này, các quận huyện phải vượt ra khỏi sự ràng buộc của từng dự án, rộng hơn nữa là thoát ra khỏi địa giới hành chính của các quận huyện để liên kết, tạo quỹ đất đủ lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia vào chương trình này. Ví dụ tại quận 3 có 10 chung cư cũ cần xây mới, có những chung cư có diện tích quá nhỏ, nhưng cũng có những chung cư có diện tích lớn, vì vậy cần tập trung xây dựng nhà tái định cư tại những chung cư có quỹ đất lớn, còn các chung cư kia dành đất cho doanh nghiệp; các quận huyện cũng có thể làm theo cách này.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, làm thế nào phải đảm bảo hài hòa lợi ích: người dân có nơi ở mới, doanh nghiệp có lợi nhuận, Nhà nước có được công trình mới.