Có mặt tại khu sơ chế sản phẩm rau củ quả trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh của HTX Anh Đào (TP Đà Lạt), chúng tôi chứng kiến không khí lao động hối hả của nhiều nhân công. Sau khi thu hoạch từ nhà vườn, nông sản được đưa thẳng về kho phân loại theo từng sản phẩm đã được lên đơn hàng từ trước. Mỗi sản phẩm sẽ có cách sơ chế, đóng gói riêng, nhưng điểm chung là đều được phân loại từ nguồn để khi về nơi tiêu thụ sẽ hạn chế phải thêm khâu sàng lọc, hạn chế nguồn rác thải nông nghiệp. “Rau cải thảo cần được bọc giấy để tránh bị dập, hư hỏng khi về tới siêu thị tại TPHCM”, chị Uyên (HTX Anh Đào) cho biết. Với cách làm bài bản, mỗi năm, đơn vị này cung cấp hàng trăm ngàn tấn rau củ các loại ra thị trường, phần lớn trong số đó vào thẳng chuỗi các siêu thị tại TPHCM.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã xác nhận 25 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả (19 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở sơ chế) được cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, từng bước hình thành một số chuỗi cung ứng rau cung cấp ổn định cho thị trường TPHCM. Không những vậy, quá trình giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản giữa 2 địa phương trong quá trình sản xuất, lưu thông được phối hợp hiệu quả, kịp thời. Thông tin về nguồn gốc xuất xứ, kết quả giám sát an toàn thực phẩm cụ thể, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm rau, quả an toàn từ Lâm Đồng.
Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng, cho biết: “Hàng năm, vào dịp thị trường tiêu thụ mạnh nông sản, Sở Công thương TPHCM sẽ có đoàn lên Lâm Đồng để khảo sát, đánh giá khả năng cung cấp nông sản, thông tin nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn cung - cầu hợp lý, nhờ đó người dân trồng các mặt hàng nông sản tại Lâm Đồng có định hướng sản xuất phù hợp”.
Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, cho rằng, việc các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi hợp tác sẽ nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu được sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, chủ yếu là mặt hàng rau, hoa. Ngược lại, sự liên kết giữa 2 địa phương cũng giúp nông sản Lâm Đồng được tạo điều kiện vào chợ đầu mối, siêu thị thông qua kết nối giữa nhà sản xuất tại Lâm Đồng với nhà phân phối ở TPHCM.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh có 3.155ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi liên kết với TPHCM, địa phương thường xuyên cập nhập đơn vị sản xuất theo VietGAP và cung cấp thông tin cho đơn vị tiêu thụ tại TPHCM khi có yêu cầu. Ngoài ra, 2 địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, ký kết hợp tác giữa Sở GD-ĐT, Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp về việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm đưa nguồn nguyên liệu thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO… vào hệ thống căng tin trường học, bếp ăn tập thể...
Cùng với đó, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết, các cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với TPHCM đều được Sở NN-PTNT Lâm Đồng thường xuyên giám sát quy trình như ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… “Thời gian tới, ngành nông nghiệp 2 địa phương phối hợp xây dựng, tổ chức ký kết và triển khai kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022-2027, tập trung thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vào thị trường TPHCM, đẩy mạnh hơn nữa cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn tại TPHCM; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống siêu thị... tại TPHCM khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh Lâm Đồng để ký kết, bao tiêu sản phẩm”, ông Châu chia sẻ.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Lâm Đồng, tỉnh hiện có 118 doanh nghiệp chế biến rau, quả (mỗi năm chế biến khoảng 44.212 tấn rau quả thành phẩm, tương đương 550.000 tấn rau quả nguyên liệu); 910 cơ sở sơ chế rau, quả (trên 1,3 triệu tấn/năm). Thị trường tiêu thụ chính rau củ quả của Lâm Đồng là TPHCM với khoảng 60%. |