Liên kết mô hình 3 nhà, đòn bẩy để Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu

Sự chung tay của nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng với sự đồng hành hỗ trợ và quyết tâm của nhà nước là cơ sở tạo nên đột phá cho TP Đà Nẵng trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn. 

Biên bản ghi nhớ về việc phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và 6 trường đại học. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Biên bản ghi nhớ về việc phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và 6 trường đại học. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chiều 30-8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng với điểm nhấn là phần tọa đàm.

Thiếu kỹ sư chất lượng cao

Ông C.Y. Huang, Chủ tịch Công ty FCC Partners đại diện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn và tài chính quốc tế cho biết, dự kiến năm 2031, Hàn Quốc thiếu đến 56.000 kỹ sư có năng lực cao, Nhật Bản thiếu hơn 40.000 kỹ sư. Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, các quốc gia cần có chiến lược đào tạo toàn diện.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, tại địa phương, nhân lực ICT, số lượng nhân lực công nghệ thông tin ước tính đến cuối năm 2023 trên 52.000 người, chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố (trung bình toàn quốc là 3,7%). Hiện TP Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, cao gấp 3 tỷ lệ trung bình cả nước. Theo thống kê, Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, Synapse, FPT semiconductor,... với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường đại học trên địa bàn. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của TP Đà Nẵng chiếm gần 10%. Trong khi đó, mục tiêu Đà Nẵng đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói đến năm 2030.

Cần chương trình đào tạo bài bản

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, nếu nguồn lực đầu vào có chất lượng thì đầu ra cũng không kém. Nhìn nhận điều đó, đơn vị đã có những hoạt động khơi dậy niềm đam mê khoa học kỹ thuật cho các em THPT trước khi vào đại học như triển khai khóa học STEM cho học sinh THPT ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; mở cửa miễn phí không gian đổi mới sáng tạo... Liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn, thời gian qua, đơn vị đã đào tạo những ngành gần như điện – điện tử, điện tử viễn thông,…

IMG_2040.jpg
Phiên tọa đàm của hội nghị kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Chuẩn bị nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, chúng tôi có những cam kết trình độ kỹ sư bậc 7, đào tạo ngoại ngữ cao hơn trình độ cử nhân,…”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu nói.

Là đối tác tư vấn chiến lược phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn của TP Đà Nẵng, theo ông Adrian Ng Siong Teck, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Synopsys khu vực Nam Á và Việt Nam, điều quan trọng để có nguồn nhân lực chất lượng cao là xây dựng chương trình đào tạo. Nhà trường cần giới thiệu sinh viên đến các công ty để các em có thêm trải nghiệm thực tế.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Việt, Giám đốc Trung tâm R&D, Công ty Infineon đại diện cho công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, giai đoạn từ một kỹ sư điện tử đến một kỹ sư trong một lĩnh vực cụ thể của ngành vi mạch bán dẫn là khoảng cách mà các trường đại học vẫn chưa thể đáp ứng được. Các trường đại học nên bù đắp khoảng cách đó bằng hình thức đào tạo bổ sung. Về lâu dài, sinh viên trước khi ra trường nên tham gia khóa học như vậy, giúp rút ngắn quá trình đào tạo ban đầu, góp phần “xóa” rào cản đối những công ty đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của nhà nước về việc tạo động lực cho những người có kinh nghiệm, chuyên gia có thể về TP Đà Nẵng xây dựng đội ngũ nòng cốt ban đầu.

“Các công ty nước ngoài đánh giá rất nhiều sự cân bằng của đội ngũ. Một đội ngũ toàn những nhân lực trẻ, mới ra trường không thể thuyết phục được những lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn”, ông Vũ Duy Việt nói.

IMG_2090.jpg
Trao chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng giảng viên thiết kế vi mạch. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), để có nguồn nhân lực chất lượng cần xây dựng các mô hình đào tạo đặt hàng cho doanh nghiệp hay triển khai dự án doanh nghiệp tại trường. Tuy vậy, về lâu dài cần có chính sách giữ chân những nguồn nhân chất lượng cao tại địa phương như chính sách học bổng, miễn giảm học phí,…

Kết luận hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, trên cơ sở các kiến nghị của các chủ thể tham gia hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo như doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, chuyên gia trong và ngoài nước cùng với sự tham khảo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn để có những giải pháp mới, cách tiếp cận kịp thời với độ mở lớn theo các kịch bản phù hợp trong từng năm, từng giai đoạn; gắn kết vi mạch bán dẫn với đổi mới sáng tạo thúc đẩy, đột phá phát triển giá trị kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục