Hạ tầng tốt nhưng cần liên kết
TPHCM với Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ sinh sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán, 45 trường đại học, 30 trường cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm và hơn 245 tổ chức KH-CN... là cơ sở để liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
TPHCM còn có nguồn nhân lực KH-CN chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) và doanh nghiệp KH-CN lần lượt chiếm 42% và 15% cả nước. Ngân sách chi cho hoạt động KH-CN giai đoạn 2016 - 2017 là 2.436 tỷ đồng (tương đương gần 2% tổng chi ngân sách của thành phố) cũng là tiềm lực khá mạnh để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), xây dựng hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn TPHCM.
Đó là chưa nói đến trên 760 startup đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% (tương đương 350 startup) đã và đang tham gia chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố. Theo Sở KH-CN TPHCM, quá trình liên kết cũng đã diễn ra như kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp IDG, Dragon Capital, Spring...; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các cuộc thi ĐMST và hợp tác tốt với đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ KH-CN nhằm thiết kế các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo chuẩn quốc tế; tổ chức đào tạo - tư vấn, trao đổi chuyên gia cố vấn và giới thiệu trên 20 dự án khởi nghiệp ĐMST có khả năng gọi vốn cao.
Hệ sinh thái ĐMST là sự kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần gồm: cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu - phát triển, tổ chức hỗ trợ trực tiếp, tổ chức hỗ trợ gián tiếp và các cơ quan Nhà nước (ban hành chính sách, kiến tạo môi trường kết nối các thành phần để hệ sinh thái phát triển...). Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái ĐMST của thành phố vẫn chưa có đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần để cùng phát triển, đáp ứng được sự cạnh tranh càng ngày càng lớn của quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Cần chính sách và doanh nghiệp lớn vào cuộc
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp Việt có quan tâm đến ĐMST, nhưng chủ yếu chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Hơn nữa, ĐMST hiện nay chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường. Đa phần doanh nghiệp được khảo sát chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Thay vào đó, khi có ý tưởng mới về sản phẩm (chủ yếu đến từ nội bộ lãnh đạo doanh nghiệp), doanh nghiệp sẽ đặt hàng thiết kế, sản xuất với đối tác cung ứng (nhà sản xuất ở nước ngoài). Cũng cần nhận thấy thêm rằng, nguồn nhân lực hiện chưa đáp ứng yêu cầu ĐMST; ngân sách dành cho ĐMST và đào tạo nguồn nhân lực chưa cao; sự hợp tác với các đơn vị nghiên cứu và các trường đại học chưa tốt.
Nguyên nhân giải thích cho thực tế này đến từ hiện trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo lập được chuỗi giá trị phát triển bền vững. Đa phần doanh nghiệp tập trung nhiều vào khâu thương mại, dịch vụ hoặc gia công quốc tế. Các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài chủ yếu tập trung khai thác chi phí nhân công giá thấp của Việt Nam, chứ chưa đầu tư nhiều cho ĐMST.
Để phát triển hệ sinh thái ĐMST, rất cần sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Vì vậy, Sở KH-CN TPHCM khẳng định rằng, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; giúp hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển.
Để phát huy vai trò của ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng, cùng nhiều giải pháp gắn kết bền vững mối quan hệ giữa doanh nghiệp, trường - viện, nhà nước, tổ chức tài chính và cộng đồng khởi nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường); xây dựng nền tảng hoạt động ĐMST và khởi nghiệp từ phát triển hạ tầng cơ sở đến đổi mới giáo dục - đào tạo, hợp tác đổi mới sáng tạo - nghiên cứu phát triển - đổi mới công nghệ... với mục tiêu góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST của thành phố có sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội.