Mặt khác, từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn sản phẩm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng chặt chẽ của hệ thống phân phối. Việc thiết lập các mối liên kết trên đã mở đường cho hàng hóa các địa phương tiến ra thị trường ngoài tỉnh.
Khai thác và phát huy lợi thế từng địa phương
Người tiêu dùng giờ đây đã có thể tiêu dùng các sản phẩm vốn là đặc sản ở các địa phương cách xa nơi mình ở cả ngàn cây số. Người dân ở miền Đông Nam bộ có thể mua được các sản phẩm của miền Tây, miền Trung dễ dàng. Để mở đường cho hàng hóa địa phương, các tỉnh/thành đã và đang nỗ lực thiết lập các chương trình hợp tác có điều kiện thuận lợi trong phân phối. Theo đó, TPHCM, Hà Nội được xem là thị trường tiêu thụ lớn, mục tiêu thâm nhập của hàng hóa các tỉnh/thành vốn có điều kiện về sản xuất. Bởi đây là 2 thành phố có số lượng dân cư đông và tập trung, đặc biệt là sở hữu hệ thống kênh phân phối đa dạng, dày đặc.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, ngoài vai trò là thị trường tiêu thụ của hơn 10 triệu người, TPHCM còn là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương, kết nối hàng hóa của cả khu vực Nam bộ (với tổng dân số của khu vực lên đến 33,3 triệu người, chiếm 36,7% dân số cả nước). Chưa hết, thành phố còn là đầu mối kết nối tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương. Do vậy, việc TPHCM chủ động liên kết với các tỉnh/thành và ngược lại được xem là chiến lược lâu dài nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển.
Tính đến nay, TPHCM và các tỉnh/thành miền Đông - Tây Nam bộ đã ký kết hợp tác toàn diện trong lĩnh vực thương mại. Đây là tiền đề để các bên làm cầu nối cho doanh nghiệp (DN) các địa phương liên kết, hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ…, phát triển hệ thống phân phối, phối hợp theo dõi, nắm bắt tình hình nuôi trồng, sản xuất, điều hành cân đối cung - cầu hàng hóa và ổn định giá cả thị trường.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh này đã triển khai phát triển liên kết với 13 địa phương trên cả nước. Trong đó, có khoảng 45 loại sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh và hơn 40 loại sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc…
Kết nối với kênh phân phối là giải pháp mở ra hướng tiêu thụ hàng hóa cho địa phương, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, đã thông tin như vậy. Xác định hệ thống siêu thị là kênh phân phối quan trọng nên thời gian qua Sở Công thương Đồng Tháp không ngừng và thường xuyên kết nối các DN, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong tỉnh với kênh phân phối hiện đại như Saigon Co.op, Hapro, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, siêu thị Tứ Sơn...
Hợp tác cùng phát triển
Đại diện tỉnh Đồng Tháp khẳng định, để có thể đưa hàng hóa nông sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vào những thị trường nội địa lớn như TPHCM, Hà Nội, sản phẩm phải đạt những tiêu chí nhất định, phù hợp với từng hệ thống phân phối. Do đó, ngay từ thời điểm bắt đầu sản xuất hoặc gieo trồng nông sản, tỉnh đã cùng với các đơn vị liên quan chuẩn hóa tiêu chuẩn và quy trình sản xuất cho DN, nông dân, HTX.
Cụ thể, tỉnh phối hợp với siêu thị Co.opmart tổ chức kiểm tra, thẩm định các điều kiện sản xuất của các DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm khắc phục những điểm yếu mà các DN đang còn tồn tại. Song song đó, địa phương này cũng có nhiều giải pháp để đưa hàng hóa của tỉnh vào kênh phân phối truyền thống gồm các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối… Nhờ vậy, hàng hóa của địa phương thâm nhập vào được thị trường thành phố lớn và các tỉnh/thành khác thuận lợi. Không dừng lại đó, Sở Công thương Đồng Tháp còn phối hợp với Sở Công thương TPHCM cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc cho thương hiệu trứng vịt Mỹ Hòa, Tháp Mười để tiêu thụ tại thị trường TPHCM.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các DN, HTX, cơ sở sản xuất của Đồng Tháp đã ký kết, thỏa thuận 45 bản ghi nhớ với các đối tác để đưa nhiều sản phẩm nông sản vào tiêu thụ ở các siêu thị trên địa bàn cả nước. Riêng với hệ thống Co.opmart, bình quân hàng tháng hàng hóa của Đồng Tháp cung ứng đạt doanh số khoảng 10 tỷ đồng.
Thống kê của Sở Công thương TPHCM cũng khẳng định, nhờ vào hoạt động liên kết các địa phương thông qua nhiều chương trình như kết nối cung - cầu, hợp tác thực hiện bình ổn thị trường, liên kết đầu tư sản xuất, phát triển hệ thống phân phối, liên kết đào tạo nhân lực…, đã có 2.283 hợp đồng được DN các tỉnh ký kết với nhau. Điều này không những mang lại lợi ích thiết thực cho DN mà quan trọng hơn là đã góp phần nâng cao tăng trưởng kinh tế mỗi địa phương.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết để hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, bộ đã triển khai đề án phát triển thị trường nội địa. Theo đó, với giải pháp đẩy mạnh liên kết các tỉnh, từng bước tăng thị phần hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối lên hơn 80% đối với thành phố lớn và 100% đối với các tỉnh vào năm 2020.
Riêng tại TPHCM, Sở Công thương sẽ tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh/thành, tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm. Phối hợp để hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN tại các địa phương; lưu thông hàng hóa hiệu quả và có kiểm soát - từ nuôi trồng đến tay người tiêu dùng. Qua đó, đảm bảo phát huy lợi thế từng địa phương, tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường.