Việc tổ chức tinh vi hơn trước, với việc các đơn vị không chỉ âm thầm liên kết mà còn mua bán, trao đổi chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường còn đặt hàng tuyển sinh, khoán chỉ tiêu cho các công ty, trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm dạy nghề, cùng lời chào mời “bao đậu”.
“Ở đây tụi em lo hết!”
Theo lời giới thiệu của một sinh viên đang học thạc sĩ ngành Xây dựng (hệ chính quy), chúng tôi tìm đến Trường Trung cấp (TC) Công đoàn TPHCM (lô 7, Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh) để đăng ký học. Sau khi kiểm tra hồ sơ, nhân viên tại đây giới thiệu: “Đây là văn phòng tuyển sinh của Trường Đại học (ĐH). Anh yên tâm là trường tuyển sinh hệ chính quy chứ không phải hệ vừa làm vừa học và sẽ cấp bằng chính quy. Hiện trường đang mở các lớp ĐH chuyên ngành Luật, Kế toán, Xây dựng. Anh muốn học ngành nào?”. Khi chúng tôi trả lời học ngành Luật, nữ nhân viên này cho biết: “Hiện giờ lớp Luật đông lắm và đã học xong 2 học kỳ rồi, anh chỉ có thể đăng ký học khóa tới. Tuy nhiên, ngành Xây dựng chỉ chuẩn bị thi học kỳ 1 vào tuần sau, nếu anh muốn học thì vẫn còn kịp”.
Miễn cưỡng chấp nhận học ngành Xây dựng, chúng tôi được giới thiệu sang bàn bên cạnh để đóng học phí. Nữ nhân viên tên Pha thông báo học phí học kỳ 1 là 6,5 triệu đồng; lệ phí ôn và học chuyển đổi 1,2 triệu đồng; tổng cộng là 7,7 triệu đồng. Để xóa tan lo lắng của học viên, cô Pha khẳng định chắc nịch: “Ở đây tụi em lo hết! Thứ bảy tuần tới anh cứ đến thi kết thúc học kỳ (thi 6 môn) là được”.
Theo Nghị định 138/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Điều 12 quy định mức phạt 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy, phạt 25 - 30 triệu đồng về hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định; phạt 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kèm theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoạt động giáo dục; buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác, hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với trường hợp đã tuyển trái phép
Địa chỉ chúng tôi tìm đến tiếp theo là Viện Nghiên cứu giáo dục và Quản trị kinh doanh (EBM) ở số 220 Thành Thái (quận 10) để tìm hiểu lớp thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Đến nơi, không tìm được văn phòng viện, gọi theo số điện thoại quảng cáo thì được hướng dẫn đến địa chỉ số TT17 Tam Đảo (phường 15, quận 10). Văn phòng viện rộng chừng 10m2, nằm ở tầng trệt của Trường TC nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng. Tại đây, một nhân viên tên Hà đã giới thiệu cặn kẽ 2 lớp trình độ thạc sĩ do Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) cấp bằng: “Ở đây tụi chị tổ chức học chính thức. Học phí bao gồm cả học chuyển đổi, thi đầu vào để khỏi tốn thời gian. Học viên chỉ cần ra cơ sở chính 2 lần trong suốt khóa học, lúc thi đầu vào và thi đầu ra. Có thi là có đậu. Tiền vé máy bay các em lo, khi nào đi trường sẽ báo”. Tiếp đó, cô Hà chìa ra bảng giá cho toàn khóa học là 124,6 triệu đồng. Trong đó, mức học phí 4 học kỳ chỉ 64 triệu đồng, còn lại là hàng loạt loại phí như phí hỗ trợ hội đồng bảo vệ luận văn (10 triệu đồng), phí cho hội đồng thi đầu ra (10 triệu đồng), phí cho hội đồng thi đầu vào (10 triệu đồng)…
Công ty cũng tham gia đào tạo đại học, thạc sĩ
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các viện, trường không được tuyển sinh liên thông, liên kết đào tạo ĐH hình thức chính quy ngoài cơ sở chính, song thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Như việc một Trường ĐH bắt tay với Công ty cổ phần Giáo dục Đất Việt để tuyển sinh đào tạo hàng loạt ngành tại Trường TC Công đoàn TPHCM. Qua tìm hiểu, dù mang tiếng là liên kết nhưng tất cả việc quảng bá tuyển sinh, thu nhận hồ sơ, tổ chức lớp đào tạo, mời giảng viên dạy đều do công ty thực hiện. Phía trường chỉ lo pháp lý, cấp phát phôi bằng. Công ty này còn tiếp nhận một lớp đào tạo ngành Xây dựng (khoảng 20 sinh viên) do Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh tuyển “chui” rồi bán lại. Công ty Đất Việt không chỉ tuyển sinh ĐH chính quy mà còn tuyển sinh đào tạo cả thạc sĩ ở Bình Dương, Bình Phước. Ngoài ra, họ cũng đứng ra tuyển sinh theo đơn đặt hàng với nhiều trường khác như Trường ĐH Chu Văn An… Nếu không đủ lớp, công ty sẽ chuyển học viên qua một trung tâm khác để lấy hoa hồng.
Trong khi đó, Trường ĐH Chu Văn An đặt văn phòng tuyển sinh, tổ chức đào tạo liên thông, văn bằng 2 từ ĐH đến thạc sĩ tại trụ sở Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận (179 Hoàng Văn Thụ). Một sinh viên sau khi đóng 1,25 triệu đồng (lệ phí nhập học và xét tuyển) đã tỏ ra nghi ngờ về tính pháp lý của chương trình, nên yêu cầu cho xem các quyết định cho phép tuyển sinh, đào tạo của Bộ GD-ĐT, nhưng cán bộ tuyển sinh ở đây… “ú ớ”. Dù là hoạt động tuyển sinh sai phép, nhưng thông tin tuyển sinh của trường này lại được quảng cáo khá rầm rộ trên mạng xã hội.
Trường ĐH Vinh (Nghệ An) cũng là một trong những trường thực hiện tuyển sinh, đào tạo ngành Giáo dục mầm non tại TPHCM và Cần Thơ, nhưng chưa được Bộ GD-ĐT cho phép. Bên cạnh đó, trường này cũng liên kết với nhiều nơi tuyển sinh hàng loạt ngành như Quản lý tài nguyên và môi trường, Kỹ thuật xây dựng… Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng thực hiện việc tuyển sinh liên thông ĐH chính quy tại Trường CĐ Công thương (quận Thủ Đức). Vào thời điểm này, trường mở 4 lớp đào tạo liên thông các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ cơ khí.
Đặc biệt hơn cả là Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, cho phép Công ty cổ phần Đầu tư - xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Sáu (gọi tắt là Công ty Sáu, quận 12) cùng tham gia tổ chức, triển khai đào tạo tại các tỉnh Nghệ An và Tiền Giang với 39 học viên cao học. Công ty Sáu cũng đứng ra thu học phí, lệ phí; tổ chức học viên ôn thi đầu vào các môn Toán, Ngoại ngữ, Cơ học đất.
Ăn chia nguồn thu lớn
Thực tế cho thấy việc liên kết này đem lại nguồn thu lớn, và đây là lý do các trường bất chấp để tuyển sinh. Theo hợp đồng liên kết đào tạo giữa bên A là Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) với bên B là Trường TC Công nghệ và Kinh tế đối ngoại (Hà Nội), tỷ lệ phân chia tài chính như sau: bên A hưởng 15% từ doanh thu học phí và bên B hưởng 85% còn lại; các khoản lệ phí khác chia theo tỷ lệ 5/5. Tương tự, một trường ĐH liên kết với Công ty cổ phần Giáo dục Đất Việt với tỷ lệ ăn chia 3/7, tức là học phí 10 triệu đồng thì trường lấy 3 triệu đồng, công ty 7 triệu đồng. Trong khi đó, theo hợp đồng liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Viện Đào tạo nguồn nhân lực của một trường đại học với Viện Nghiên cứu giáo dục và Quản trị kinh doanh, tỷ lệ chiết khấu như sau: trường thu 90% số thực thu, viện thu 10%. Ngoài ra, viện được thu thêm 10% học phí hàng tháng từ học viên.
Số lượng học viên càng lớn, doanh thu càng cao và tỷ lệ ăn chia vì thế cũng mang lại nguồn lợi kinh tế cho cả trường. Thử nhìn vào mối liên kết đào tạo tại tỉnh Bình Phước chúng ta sẽ hiểu rõ. Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Bình Phước liên kết đào tạo với Trường ĐH Sài Gòn từ năm 2011-2013, thu gần 13 tỷ đồng; trong đó trích lại cho trường TC này là hơn 3,8 tỷ đồng. TTGDTX tỉnh Bình Phước liên kết đào tạo với Trường ĐH Đà Lạt, có tổng nguồn thu học phí từ năm 2011 đến tháng 3-2014 là hơn 16 tỷ đồng; trong đó trường giữ lại hơn 3,4 tỷ đồng. Trường CĐ Công nghiệp cao su Bình Phước từ năm 2011 đến tháng 3-2014 liên kết tuyển sinh và đào tạo 994 sinh viên, thu hơn 16,2 tỷ đồng học phí và trường được giữ lại hơn 5 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, dù tuyển sinh hay học dưới bất kỳ hình thức đào tạo nào thì người học phải bỏ kinh phí, thời gian để tiếp nhận kiến thức. Nếu các đơn vị liên kết đào tạo chỉ vì mục đích kinh tế mà xem nhẹ chất lượng thì người học là người chịu thiệt thòi nhất.
Cứ thanh tra là phát hiện sai phạm
- Năm 2015, Thanh tra Chính phủ phát hiện Trường ĐH Mở TPHCM tuyển sinh năm 2010 vượt chỉ tiêu 1.082 sinh viên (33,3%), năm 2011 là 1.026 sinh viên (40,2%); thực hiện liên kết đào tạo hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa tại các địa phương chưa có sự cho phép của Bộ GD-ĐT. Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng phát hiện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM liên kết với 11 đơn vị, năm 2016 liên kết với 9 đơn vị, năm 2017 liên kết với 4 đơn vị, nhưng việc liên kết chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT.
- Năm 2015, Thanh tra Chính phủ phát hiện Trường ĐH Mở TPHCM tuyển sinh năm 2010 vượt chỉ tiêu 1.082 sinh viên (33,3%), năm 2011 là 1.026 sinh viên (40,2%); thực hiện liên kết đào tạo hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa tại các địa phương chưa có sự cho phép của Bộ GD-ĐT. Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng phát hiện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM liên kết với 11 đơn vị, năm 2016 liên kết với 9 đơn vị, năm 2017 liên kết với 4 đơn vị, nhưng việc liên kết chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT.
- Năm 2016, kết quả thanh tra giai đoạn 2006-2008, dù không có văn bản cho phép tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhưng Trường ĐH Y Dược TPHCM và ĐH Đà Nẵng tuyển sinh, đào tạo 117 sinh viên ngành Dược, 59 sinh viên ngành Răng Hàm Mặt. Qua thanh tra cũng phát hiện Trường ĐH Y Dược TPHCM đã đóng dấu, cấp bằng tốt nghiệp cho người học trên phôi văn bằng của Trường ĐH Tây Nguyên chuyển giao. Cũng trong năm này, Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện Trường ĐH Điện lực có nhiều sai phạm. Nghiêm trọng nhất là từ năm 2011-2015 tuyển vượt 34.270 chỉ tiêu, trong đó đã tuyển 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố. Hiệu trưởng nhà trường là người trực tiếp phê duyệt, giao cho các đơn vị là đầu mối quản lý đào tạo và ký các hợp đồng liên kết đào tạo không đảm bảo điều kiện, thiếu kiểm soát.