Liên kết cung ứng thực phẩm an toàn cho TPHCM - Bài 1: Đến tận nơi, khảo sát từng trang trại

LTS: Nhiều năm qua, TPHCM đã triển khai rất hiệu quả chương trình liên kết với các tỉnh thành tạo ra nguồn thực phẩm sạch, từ trang trại đến bàn ăn để cung cấp cho hơn 10 triệu người đang sinh sống tại đại đô thị TPHCM. Với chương trình mới nhất “Tick xanh trách nhiệm”, TPHCM kỳ vọng thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và cơ quan nhà nước sẽ tạo ra chuỗi cung ứng nông sản bền vững - an toàn - trách nhiệm - minh bạch.

Nhằm hạn chế tình trạng trà trộn, tuồn hàng kém chất lượng vào siêu thị, cửa hàng, Sở Công thương TPHCM chủ động kết nối cùng các địa phương, doanh nghiệp khảo sát và chọn hàng hóa tại nơi nuôi trồng.

Doanh nghiệp háo hức tham gia

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, các đơn hàng rau củ quả cũng vì thế đổ dồn về doanh nghiệp cung cấp. Hàng loạt nhà vườn, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… thời điểm này hoạt động hết công suất, nhộn nhịp suốt ngày đêm.

%5 A2.jpg
Thu hoạch cà chua tại nông trường WinEco thuộc WinCommerce, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Anh Lê Minh, chủ một trang trại rau củ tại Lâm Đồng, cho biết, các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2025 được cửa hàng tiện ích, siêu thị tại TPHCM đặt hàng từ giữa năm 2024, yêu cầu hàng đầu là chất lượng sản phẩm. Các quy trình nuôi trồng của trang trại tuân thủ nghiêm quy chuẩn an toàn của ngành công thương và nông nghiệp, đó là lựa chọn giống đầu vào có xuất xứ rõ ràng, quá trình chăm sóc phải sử dụng thực phẩm, phân bón an toàn, theo đúng hướng dẫn.

“Khâu nuôi trồng mình đã kỹ như vậy nhưng bên mua hàng kiểm tra cũng kỹ không kém. Các hệ thống như Saigon Co.op, Central Retail… thường xuyên lên đây kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm sản phẩm. Chúng tôi mà làm lơ mơ là hàng bị vứt hết, lỗ nghiêm trọng”, anh Lê Minh kể.

Thường xuyên có mặt tại các đoàn mua hàng, chúng tôi nhận thấy các chủ trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai, khu vực ĐBSCL đều cam kết thực hiện đáp ứng an toàn sản phẩm. Ở chiều ngược lại, nhằm đáp ứng chất lượng hàng hóa, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, các doanh nghiệp bán lẻ phối hợp chặt với địa phương giám sát tận nơi chăn nuôi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ nhà cung ứng, nếu cần sẽ cung ứng vốn hoặc kỹ thuật để giữ chất lượng tốt. Mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm an toàn đến tận bàn ăn của khách hàng.

do thi.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay, là hệ thống tiêu thụ chủ lực tại TPHCM nên vấn đề kiểm soát chất lượng đặt lên hàng đầu. Đơn vị tự nâng cao trách nhiệm kiểm soát, không sản xuất, phân phối hoặc chuyển giao bất kỳ sản phẩm không an toàn đến bất kỳ bên nào. Sản phẩm khi được đưa vào hệ thống phân phối hoặc đến tay người tiêu dùng đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. “Chúng tôi công khai, minh bạch địa điểm sản xuất, vùng trồng để người tiêu dùng và các bên tham gia chủ động việc giám sát quy trình và chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Ngọc Thắng cam kết.

“Chặn” hàng vi phạm trong vòng 24 giờ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại tại TPHCM đã thiết lập một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy cho đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống. Song song đó là những biện pháp kiểm tra nội bộ gồm kiểm tra, xét nghiệm thông qua phòng thí nghiệm di động, đánh giá cảm quan, kiểm dịch được thực hiện định kỳ, ngẫu nhiên...

%5 A.jpg
Đoàn khách từ TPHCM tham quan, tìm hiểu quy trình trồng cà chua sạch tại nông trường WinEco thuộc WinCommerce, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng

Khi phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, hệ thống phân phối, bán lẻ sẽ tạm ngưng lưu hành sản phẩm trên toàn hệ thống; đồng thời báo cáo đến Sở Công thương TPHCM cũng như các nhà phân phối khác để họ tiến hành kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm tương tự. Các vi phạm được xử lý chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vấn đề nhằm ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhà cung cấp cố ý vi phạm nhiều lần sẽ bị ngừng hợp đồng.

Thỏa thuận áp dụng cho các mặt hàng thuộc nhóm trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới); nhóm rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường) và thịt heo, thịt gà…, sắp tới sẽ mở rộng ra tất cả mặt hàng.

Điểm hay trong quy trình này là có sự liên kết chặt chẽ của các đơn vị tiêu thụ. Theo Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện có 8 hệ thống phân phối hiện đại ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa gồm: Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, MM Mega Market, Central Retail, Bách hóa Xanh, Wincomerce và Kingfood Market.

“Nhà cung cấp nào vi phạm cam kết về chất lượng với một nhà bán lẻ thì được xem là hành vi vi phạm cam kết chất lượng với toàn bộ 8 nhà bán lẻ. Bởi vì thông tin vi phạm được chia sẻ trực tiếp giữa 8 nhà bán lẻ và cung cấp đến các sở ngành liên quan để phối hợp xử lý, tùy mức độ vi phạm. Như vậy trong chuỗi cung ứng hàng hóa này, nếu một đơn vị nào bị vi phạm thì sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thụ của cơ sở sản xuất đó”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã kiểm tra, xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm, trong đó bao gồm các vi phạm liên quan đến mặt hàng thực phẩm tươi sống… Mới đây, QLTT phối hợp cùng lực lượng liên ngành phát hiện một cửa hàng kinh doanh khoảng 400kg dồi trường, vú heo đông lạnh (tại TP Thủ Đức) không hóa đơn, chứng từ. Theo Cục QLTT TPHCM, cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp cùng lực lượng liên ngành kiểm tra các điểm bán có dấu hiệu vi phạm, trong đó tập trung vào những điểm bán hàng trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục