Liên kết cung ứng, phân phối sản phẩm Việt

Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường và người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, nhiều nhà bán lẻ (đặc biệt là doanh nghiệp trong nước) đang chủ động tham gia sâu vào chuỗi sản xuất sạch. 
Vùng trồng lúa Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Vùng trồng lúa Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Tăng lợi ích, giảm rủi ro

Theo phân tích của các chuyên gia, chiến lược sản xuất, bán lẻ của các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các quốc gia khác, bao giờ cũng có cả “binh đoàn” nhà cung cấp đi kèm, nên các nhà sản xuất nội địa khó chen chân vào chuỗi cung ứng của họ. Sở dĩ làm được đều này, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phải có cùng tầm nhìn dài hạn, chia sẻ về trách nhiệm, chi phí lẫn nhau. Trong khi đây là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, chưa có tinh thần liên kết và hỗ trợ để cùng phát triển. 


Hiện nay, tình hình kết nối sản xuất, cung cầu giữa nhiều địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; trong đó, có nhiều hợp đồng hợp tác chưa được hiện thực hóa, cũng là một trong những thách thức không nhỏ. Vấn đề này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm của các địa phương rất đa dạng nhưng chưa thâm nhập thành công vào mạng lưới phân phối hiện đại nói chung và tại  TPHCM nói riêng.

Riêng về quy mô sản xuất của nông dân, rất cần được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng số lượng, chủng loại sản phẩm; cũng như đảm bảo khả năng cung cấp ổn định, giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, kết quả liên kết có thành công hay không phải dựa trên tinh thần đôi bên có lợi và quan hệ lâu dài thì vai trò của đơn vị sản xuất rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP.

Do đó, cùng với nỗ lực hỗ trợ của các nhà bán lẻ nội địa, doanh nghiệp sản xuất và nông dân cần có giải pháp thâm nhập thị trường hiệu quả hơn. Các đơn vị sản xuất cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, vì đôi khi hàng hóa sản xuất và phân phối khắp nơi sẽ bị phân tán nguồn lực, lãng phí tài chính mà không bám rễ sâu vào thị trường. 

Sản xuất sạch

Nhằm tìm hướng đi mới góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu uy tín cho hàng Việt, những dự án kết nối cung - cầu phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn của các nhà bán lẻ tại TPHCM với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã từng bước đạt được những kết quả tích cực. Đơn cử, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sạch tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) phối hợp với nông dân là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến triển khai bước đầu đạt những tín hiệu tích cực. Mô hình này được triển khai trên 40ha, với hơn 70 hộ nông dân tham gia. Hầu hết các hộ nông dân đều tuân thủ chặt chẽ các phương pháp do cán bộ kỹ thuật đưa ra và thực hiện đúng các cam kết của dự án. Đồng thời, các hộ nông dân thống nhất tinh thần chấp nhận năng suất thấp ở giai đoạn đầu để đạt được chất lượng cao. 

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết giai đoạn từ nay đến năm 2020, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất với các nhà cung cấp, hợp tác xã, nông dân... để đầu tư và phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, từng bước tìm kiếm, mở rộng đầu tư vào các mô hình sản xuất sạch, nông trại hữu cơ để sớm cung ứng các mặt hàng chất lượng ra thị trường và nhân rộng điểm bán. Từ đó, hình thành và phát triển những hợp tác xã nông nghiệp, nhằm tạo sự phong phú nguồn cung ứng hàng hóa cho Saigon Co.op, cũng như nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.

Thị trường nội địa ngày càng nhiều nhà bán lẻ, hệ thống phân phối ngoại tham gia, nên hàng hóa Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí, mức chiết khấu cao và tiêu chuẩn chất lượng yếu kém không cạnh tranh lại hàng ngoại nhập. Do đó, yêu cầu thực tế đòi hỏi nhiều hơn các cơ chế chính sách, chiến lược phát triển để tạo điều kiện cho hàng Việt được chuẩn hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Dẫn chứng cụ thể, đại diện các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An cho biết, một trong những sản phẩm chủ lực là trái thanh long, hầu hết được trồng theo quy trình và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, một số đơn vị đã đăng ký thương hiệu độc quyền, có mã số - mã vạch để truy suất nguồn gốc. Nhưng cũng có hợp tác xã gặp khó khăn trong liên kết hợp tác với các nhà bán lẻ để hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food, cho hay: “Để hỗ trợ nền sản xuất trong nước, tạo đầu ra cho sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp Việt phát triển, cần có những cơ chế, chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ nhà bán lẻ nội địa phát triển và giữ vững thị phần trong nước. Tại Việt Nam, mức chiết khấu đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp ngoại rất cao, thậm chí gấp đôi các hệ thống bán lẻ nội địa; do đó, nếu không tạo điều kiện cho nhà bán lẻ nội phát triển thì các hệ thống bán lẻ này khó hỗ trợ hàng Việt ra thị trường”.

Tương tự, một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ; có chính sách, quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm của các nhà phân phối. Về phía hiệp hội, hội ngành nghề phải tích cực làm cầu nối cho những doanh nghiệp không cùng ngành hàng vẫn có thể liên kết để cùng thực hiện các chương trình đưa hàng Việt đến tay người Việt, nhằm giảm sự phụ thuộc hệ thống phân phối hiện đại và giảm chi phí triển khai.

Tin cùng chuyên mục