Nghị quyết trên do Mỹ bảo trợ, đã được thông qua bằng hình thức đồng thuận của hơn 120 nước thành viên Liên hợp quốc và không cần bỏ phiếu. Đại hội đồng đã nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan "kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền".
Đại hội đồng hối thúc các nước thành viên Liên hợp quốc, khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông phát triển và hỗ trợ các phương pháp điều hành và quản trị việc sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.
Liên hợp quốc cũng ghi nhận tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Nhiệm vụ chính của nghị quyết là sử dụng AI để giúp thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển đang bị chậm lại của Liên hợp quốc vào năm 2030.
Đây là lần đầu tiên, Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết nhằm điều chỉnh AI, lĩnh vực mới nổi và đang được thế giới quan tâm đặc biệt.
Từ 3 tháng trước, Mỹ đàm phán với toàn bộ 193 quốc gia thành viên về dự thảo nghị quyết AI. Dự thảo đã được sửa đổi nhiều lần. Khác với các nghị quyết của Hội đồng bảo an, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị phản ánh ý kiến của cộng đồng quốc tế.