Sau 3 năm, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế đã trở lại với nhiều mới mẻ và sáng tạo, phong phú thể loại từ bi kịch, hài kịch đến chính kịch, các loại hình sân khấu dân gian như: tuồng, chèo, cải lương… cho đến những loại hình rất khó thử nghiệm như múa rối, xiếc.
“Tiêu chí lựa chọn các tác phẩm tham dự liên hoan là ưu tiên sự sáng tạo, tính đột phá trong ngôn ngữ thể hiện nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật, góp phần đáp ứng sự mong đợi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, nhấn mạnh. Cũng vì tôn vinh, đề cao sức sáng tạo, ban tổ chức đã rất nỗ lực để bảo đảm tốt nhất tất cả điều kiện về kỹ thuật, sân khấu, ánh sáng, âm thanh… Có những đoàn đặt ra yêu cầu khá cao và cầu kỳ về mặt sân khấu. Chẳng hạn như có một đoàn yêu cầu phải lắp đặt trên sân khấu 6 cột trụ bằng thép có khả năng chịu được lực đu quay lên tới 120kg.
Nhiều đoàn cũng yêu cầu phải có một số loại đèn nghệ thuật mà hiện nay chưa có ở Việt Nam… “Như vậy để thấy, về yếu tố kỹ thuật, chúng ta cũng bị hụt hẫng nhiều so với sân khấu thế giới hiện nay”, NSƯT Lê Chức nói. So với các vở diễn của Việt Nam, tiết mục của các đoàn quốc tế có lượng diễn viên tham gia ít hơn hẳn, không có các vở hoành tráng, quy mô. Dù vậy, khả năng làm chủ sân khấu của các nghệ sĩ quốc tế là rất đáng học hỏi. Dù chỉ có một hoặc vài diễn viên, họ vẫn làm nên tác phẩm với nhịp điệu, tiết tấu hấp dẫn.
Ưu thế là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ có 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật tham gia. Các vở diễn trong nước không chỉ gây ấn tượng bởi sự đa dạng trong màu sắc thể hiện mà còn được đầu tư lớn về sân khấu cũng như nhân lực.
Tác giả kiêm đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, khi dàn dựng Mơ Rồng, anh và các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long chấp nhận đương đầu với dư luận khi phá vỡ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, để tạo nên một tác phẩm rối nước mang màu sắc đương đại.
Xem Mơ Rồng, không gian múa rối nước không chỉ là bể nước, mà kiến trúc quen thuộc của nhà thủy đình cũng được thay đổi. Đồng nghĩa với việc các con rối thiết kế và tạo hình đáp ứng cho cả điều khiển dưới nước lẫn trên sân khấu rối cạn. Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi nghệ sĩ phải tập luyện, đầu tư kỹ lưỡng để hóa thân. Những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre điều khiển các nhân vật rối truyền thống, nay trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng, cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại. Vở diễn sử dụng hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sĩ nổi tiếng người Australia Darin Verhagen đã tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn nhiều loại hình rối kết hợp như: rối nước, rối dây, rối lốt và rối que. 60 phút không có thoại, chỉ có âm nhạc và hình thể, điều này đã xóa đi những rào cản về ngôn ngữ và rào cản của truyền thống với hiện đại.
Vở Ngàn năm mây trắng do Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, cũng được nhận xét là được đầu tư công phu. Vở diễn phát huy thế mạnh của các loại hình nghệ thuật truyền thống, hòa trộn nhuần nguyễn 4 loại hình nghệ thuật dân gian như: chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế.
Các vở Huyền thoại Gò Rồng Ấp (Sân khấu Lệ Ngọc), Hà Nội của những giấc mơ (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Hai mươi (Trung tâm Sân khấu và phát triển), Niềm khát (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), Dưới nước là cát (Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM)... cũng được kỳ vọng đem đến nhiều sáng tạo nghệ thuật mang tính đột phá.