Một cảnh trong vở Yêu là thoát tội của sân khấu kịch Thế Giới Trẻ
Đậm phong cách kịch nói hai miền
Dõi theo suốt liên hoan, khán giả dễ dàng nhận ra phong cách kịch nói của hai miền. Một bên là sân khấu kịch phía Bắc, với sự dàn dựng chỉn chu, mang đậm chất chính luận, cùng những mảng miếng, tiếng cười thâm thúy được lồng ghép, sử dụng khéo léo. Một bên là phong cách kịch đậm tính giải trí, ngôn ngữ đời thường, hiện đại. Dù vẫn thiên về giải trí, song các vở kịch của sân khấu xã hội hóa (XHH) TPHCM đều để lại nhiều cung bậc cảm xúc đậm tính nhân văn, qua những tác phẩm kịch: Đàn bà dễ có mấy tay (sân khấu kịch Hồng Vân), Mua chồng 30 vạn (sân khấu kịch Thế Giới Trẻ), Hiu hiu gió bấc (Công ty TNHH Giải trí sân khấu Buffalo), Tiếng giày đêm (Công ty TNHH giải trí Hero Film), Lũ quỷ sống (Công ty TNHH Gia đình), Gương mặt kẻ khác (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B)…
Từ liên hoan, thấy được sự thay đổi vượt bậc của sân khấu kịch nói phía Nam, đặc biệt là mô hình sân khấu kịch XHH. Việc giữ chân được khán giả, khán giả chịu mua vé, đặt vé để đến xem các vở kịch tại các sân khấu XHH của sân khấu phía Nam vẫn luôn là điều mà sân khấu phía Bắc ao ước, như chính nhận định của những đạo diễn, diễn viên kịch nói phía Bắc.
Với sân khấu phía Bắc, khán giả được chiêm nghiệm những dòng chảy tâm lý các nhân vật trong từng câu chuyện, chủ yếu là chính kịch, kịch tâm lý xã hội, kịch cách mạng. Phong vị kịch Bắc đã đem lại những nét chấm phá rất riêng, đạt được sự thi vị khác lạ cho khán giả TPHCM. Tuy nhiên, về chất lượng, tay nghề đạo diễn, sự cập nhật tính thời sự, thời đại, cũng như về mảng miếng sân khấu, nhiều khán giả cho rằng, phong cách biểu diễn của kịch nói phía Nam vẫn đạt được sức thu hút, hấp dẫn và nổi trội hơn hẳn.
Những câu hỏi lớn
Nhìn vào tổng quan các kịch bản tham gia liên hoan năm nay, không thể không lo lắng khi gặp lại quá nhiều kịch bản cũ. Có những vở đã tồn tại mười mấy hai mươi năm, được các đơn vị chọn để dựng lại, trong đó có: Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Người mẹ thứ hai, Tiếng giày đêm, Tiếng vạc sành, Lũ quỷ sống, Yêu là thoát tội…
Bên cạnh đó, là một loạt kịch bản của các tác giả vốn quá quen thuộc với giới làm sân khấu và với liên hoan những năm trước như: Chu Thơm, Đăng Chương, Xuân Đức… Thế nhưng, có lẽ điều đáng tiếc nhất của sân chơi nghệ thuật này chính là sự thiếu vắng những gương mặt đạo diễn trẻ, tác giả trẻ, cho nên thiếu hẳn sự tươi, mới, trẻ, lạ, độc đáo cần thiết trong sáng tạo của một đội ngũ kế thừa.
Trong việc dàn dựng, không ít đạo diễn vẫn giữ tư duy và phong cách dựng xưa. Một số vở dựng khá ẩu, mạch kịch rời rạc, ghép nối, có nhiều chi tiết không hợp lý, vẫn được đưa lên sàn diễn, khiến người xem khó đồng cảm. Có vở kịch, ở nhiều đoạn cao trào, diễn viên gào thét, khóc la, tức tưởi mà khán giả bên dưới sân khấu cứ cười rần rần… Khán giả hôm nay có trình độ, nhu cầu và sự đòi hỏi cao trong giải trí, kịch phải như thật, phải cuốn hút, phải mới lạ, hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống, với sự phát triển của xã hội. Những tiêu chí này, trong quy chế, nhận định của liên hoan đã đặt ra, nhưng không phải các tác phẩm đều đáp ứng tốt.
Sau liên hoan, những buồn, vui, trăn trở về chất lượng hoạt động và xu hướng phát triển của các đơn vị sân khấu kịch nói, cả công lập và XHH, được đặt ra với các nhà quản lý văn hóa. Làm sao để sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp này trở thành nơi thể hiện khát khao của những người làm nghề, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy loại hình sân khấu kịch nói trong cuộc sống đương đại, là câu hỏi cần lời giải đáp.