Chưa đầy 2 tháng nữa, LHPQG lần thứ 15 sẽ diễn ra tại TP Nam Định (từ ngày 21 – 24-11-2007). Quan tâm đến việc chuẩn bị LHP, dư luận đặc biệt chú ý đến chuyện có bao nhiêu bộ phim (nhất là phim truyện nhựa) đăng ký dự thi và hãng phim tư nhân nào tham dự?
Tư nhân: Không mặn mà
Theo dự kiến của Ban Tổ chức, ngày 6-9-2007 là hạn chót đăng ký tham dự LHPQG lần thứ 15 nhưng sau ngày này chỉ có 18 phim truyện nhựa, trong đó chỉ có bộ phim Dòng máu anh hùng của hãng phim tư nhân Chánh Phương, đăng ký tham gia. Theo ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, một số hãng phim nhầm hạn chót là ngày 30-9-2007, vì vậy ban tổ chức đã lùi hạn chót sang ngày này nên sau ngày 6-9, các hãng phim tư nhân tiếp tục nhận được thư mời tham gia của Cục Điện ảnh.
Trong thời hạn quy định (từ 16-8-2004 – 16-8-2007), tổng cộng các hãng phim tư nhân sản xuất được hơn 15 bộ phim truyện nhựa, nhiều gấp 4-5 lần so với thời điểm tổ chức LHPQG lần thứ 14 (tháng 11-2004 tại Buôn Mê Thuột, khi ấy chỉ có 1 bộ phim Những cô gái chân dài của Hãng Thiên Ngân dự thi). Được biết, đến thời điểm này, có thêm Hãng phim Thiên Ngân chính thức đăng ký dự thi 2 bộ phim: Nữ tướng cướp (kịch bản và đạo diễn: Lê Hoàng) và 2 trong 1 (đạo diễn: Đào Duy Phúc)… Trong khi đó, là hãng phim tư nhân sản xuất nhiều phim nhất (kể từ 2004 đến nay) với các phim: Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ, Aùo lụa Hà Đông (hợp tác với Phim Việt và Ánh Việt) và Mười (hợp tác với Hàn Quốc, hoàn thành vào giữa năm 2007) nhưng ông Phước Sang - Giám đốc Hãng phim Phước Sang - vẫn lưỡng lự trong việc gửi phim dự thi.
Nguyên nhân đưa ra đơn giản là “chưa chuẩn bị tâm lý tham dự LHPQG”, tuy nhiên vào phút chót có thể 2 bộ phim là Áo lụa Hà Đông và Võ lâm truyền kỳ của hãng này sẽ tham dự.
Trong số hơn 15 phim do tư nhân sản xuất trong hơn 2 năm qua, phần lớn là phim giải trí được làm ra với mục đích thương mại, chỉ một số ít nghiêng về phim nghệ thuật như Áo lụa Hà Đông, Hạt mưa rơi bao lâu, Dòng máu anh hùng…; một số phim khác là Sài Gòn tình ca, Thập tự hoa, 1735km... quá yếu về mặt nghệ thuật lẫn tính giải trí. Tuy không bày tỏ công khai nhưng các hãng phim tư nhân đều ngần ngại khi gửi phim đi dự thi.
Dù năm nay có một giải thưởng mới “Phim được khán giả yêu thích nhất” do chính khán giả tại LHP bình chọn, được cho là mở cơ hội cho dòng phim giải trí nhưng cũng không thể lường được có thành công hay không. Còn nhớ LHPQG lần thứ 14 Ban tổ chức cũng đã đưa ra giải thưởng này nhưng thông qua các cuộc chiếu bóng lưu động nên bất thành. Tâm lý “ngại” tham gia LHP của các hãng phim tư nhân còn bởi ở LHPQG lần thứ 14 khi bộ phim Những cô gái chân dài được giải Bông sen Bạc, và ở Cánh diều Vàng 2006 bộ phim Áo lụa Hà Đông được giải Cánh diều Vàng đã “rộ” lên dư luận cho rằng các hãng tư nhân “chạy” giải thưởng…
Bộ phim Áo lụa Hà Đông từng được giải thưởng Phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP PUSAN (Hàn Quốc tháng 10-2006), mới đây (19-9-2007) được trao tiếp giải Phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP FUKUOKA (Nhật Bản), riêng trong tháng 3-2007 khi công chiếu ở Việt Nam, bộ phim này cũng thu về trên 1 tỷ đồng doanh thu. Liệu Áo lụa Hà Đông có tiếp tục giành được giải thưởng Phim được khán giả yêu thích nhất tại LHPQG lần thứ 15? Trong khi đó, rất tự tin, Dòng máu anh hùng của Hãng Chánh Phương đăng ký tham gia LHPQG ngay từ đầu, nhờ dư luận đánh giá cao trong thời gian qua và chưa từng tham gia bất cứ giải nào trong nước.
Tranh giải thưởng: Không có gương mặt “mới”!
Tiêu chuẩn đề ra, mỗi hãng phim được gửi 60% tổng số phim sản xuất từ 16-8-2004 đến 16-8-2007 tham gia LHP. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hãng phim Giải Phóng có 4 phim dự thi là Mùa len trâu, Giá mua một thượng đế, Cú đấm, Chuông reo là bắn; Hãng Phim truyện Việt Nam có các phim Giải phóng Sài Gòn, Đường thư, Vũ điệu tử thần, 5 ngày trong đời vị tướng, Chiến dịch trái tim bên phải, Chớp mắt cùng số phận…; Hãng Phim truyện I có các phim Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Sinh mệnh…; Hãng phim Hội Nhà văn có phim Hà Nội-Hà Nội (phim hợp tác với Hãng phim Châu Giang-Trung Quốc)…
Trong số phim đăng ký dự thi, những phim đáng chú ý như Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Hà Nội-Hà Nội, Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông đều là phim “cũ” và đều từng có giải thưởng. Tại LHPQG lần thứ 14, bộ phim Mùa len trâu tham gia với tư cách chiếu giới thiệu, trong hơn 2 năm qua phim này đã “rinh” hàng chục giải thưởng cho đạo diễn, quay phim tại các LHPQT và là bộ phim Việt Nam đầu tiên tham dự Oscar’2006 của Mỹ cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, lọt vào vòng 51 phim dự thi chính thức.
Các phim Chuyện của Pao và Sống trong sợ hãi đều được giải thưởng Cánh diều Vàng 2005 cho đạo diễn, phim, quay phim và một số giải thưởng LHP ở khu vực. Phim Hà Nội-Hà Nội và Áo lụa Hà Đông từng được giải thưởng Cánh diều Vàng 2006... Dòng máu anh hùng chưa từng tham gia bất cứ cuộc tranh tài nào ở trong nước, “hụt” tham gia Cánh diều Vàng 2006 vì chưa hoàn thành nhưng cũng giành vài giải thưởng ở LHP nước ngoài. Có thể nói cuộc “tranh tài” ở LHPQG lần thứ 15 sẽ diễn ra giữa các bộ phim từng đoạt giải thưởng!
Theo ông Lê Ngọc Minh, sát ngày diễn ra LHP danh sách BGK mới được công bố chính thức bởi việc chọn BGK phụ thuộc vào danh sách đăng ký dự thi của các thể loại phim. Sau khi chốt lại danh sách phim cụ thể, BTC sẽ trừ ra những người có phim dự thi, sau đó sẽ chọn lọc trong số tác giả, đạo diễn, quay phim và chọn ra những người giỏi nhất mời làm giám khảo. Cách thức chấm điểm năm nay được lưu ý là sẽ có những thay đổi để phù hợp với tiêu chí “đổi mới và hội nhập” – ông Lê Ngọc Minh cho biết thêm.
PHÚC NHƯ THỦY
Bên lề LHPQG lần thứ 15 - Ban tổ chức LHPQG lần thứ 15 đã gửi thư mời các đoàn điện ảnh nước ngoài như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia… (gồm các nhà quản lý, nghệ sĩ điện ảnh) đến dự LHP. Dự kiến các đoàn nước ngoài sẽ mang theo phim đến chiếu ở vòng ngoài với tính chất chào mừng, giao lưu và trao đổi …. |