Cơ hội chia đều
77 phim tranh giải tại liên hoan phim (LHP) năm nay, trong đó có 16 phim truyện điện ảnh, 26 phim tài liệu, 17 phim khoa học và 18 phim hoạt hình. Mặc dù giảm về số lượng so với LHP Việt Nam 2015, tuy nhiên mặt bằng chung hứa hẹn năm nay sẽ là cuộc cạnh tranh đầy ấn tượng.
Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, các phim dự thi đều được kiểm tra kỹ lưỡng về đầu vào để không lọt phim chất lượng kém dự thi.
Theo đánh giá của ban tổ chức LHP về các phim tranh giải năm nay: “Có thể còn có nét vụng về của tác phẩm đầu tay, nhưng dễ dàng thấy được sự tươi mới trong cách phát hiện và tiếp cận các mảng đề tài của đời sống xã hội hiện đại dưới nhiều góc độ. Khả năng quan sát, cái nhìn đa diện, sự thẩm thấu, bộc lộ trong sáng tạo của các nhà biên kịch, đạo diễn cùng nhiều thành phần sáng tác khác trong mỗi bộ phim”.
Tại LHP Việt Nam 2017, 16 phim ở hạng mục điện ảnh hoàn toàn vắng bóng phim nhà nước. Cách đây 2 năm, dự tranh hạng mục này có rất nhiều đại diện phim nhà nước như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Những đứa con của làng…
Một cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn vừa được phát hành đầu tháng 11-2017.
Vấn đề nằm ở chỗ, nhà nước đã không còn bao cấp làm phim, cơ chế phim đặt hàng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chưa có bất kỳ dự án nào ra mắt. Và như thế, cuộc cạnh tranh tại LHP năm nay thuộc về các hãng phim tư nhân.
Trong số 16 phim tranh giải có 2 đại diện đã chinh chiến tại nhiều LHP, giải thưởng phim quốc tế là Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư. Dù chỉ nhận được bằng khen của ban giám khảo tại giải Cánh diều 2016, nhưng bộ phim Cha cõng con vẫn hy vọng có thể vượt qua “cái dớp” của chính mình, bởi phim đã giành không ít giải thưởng ở xứ người.
Gần đây, bộ phim tiếp tục duy trì sức nóng khi được trình chiếu tại nhiều trường học trên cả nước. Tương tự, Đảo của dân ngụ cư - bộ phim đầu tay trong vai trò đạo diễn của diễn viên Hồng Ánh cũng được kỳ vọng bởi sự dấn thân vào đề tài khó.
Bên cạnh đó, sẽ không thể không nhắc đến Cô Ba Sài Gòn vừa ra mắt và tạo tiếng vang; Em chưa 18 có doanh thu cao nhất trong lịch sử chiếu bóng Việt; Sài Gòn, Anh yêu em, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy - chủ nhân của nhiều hạng mục tại Cánh diều 2016.
Có thể nhận thấy sự đa dạng về mặt thể loại trong danh sách các phim tranh giải năm nay, như tình cảm (Sứ mệnh trái tim, Cho em gần anh thêm chút nữa, Chờ em đến ngày mai, Nắng), kinh dị (Cô hầu gái), phim liêu trai (Bao giờ có yêu nhau), phim về giới thứ 3 (Hotboy nổi loạn 2), phim làm lại (Sắc đẹp ngàn cân), phim chuyển thể (Cô gái đến từ hôm qua).
Ở các hạng mục cá nhân quan trọng như đạo diễn xuất sắc, nam nữ diễn viên chính xuất sắc… cũng rất khó dự đoán ứng viên nào sẽ được vinh danh. Hạng mục đạo diễn, những cái tên như Lương Đình Dũng, Lê Thanh Sơn, Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Lý Minh Thắng… đều có cơ hội như nhau. Hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc có Minh Hằng, Miu Lê, Lan Ngọc, Kaity Nguyễn, Ngọc Thanh Tâm… chia đều khả năng nhận giải. Hạng mục của nam diễn viên xuất sắc có Ngô Thế Quân, Quý Bình, Kiều Minh Tuấn, Nhan Phúc Vinh… cũng hứa hẹn một cuộc cạnh tranh quyết liệt.
Nhiều điểm mới
Đầu tiên phải kể đến việc mạnh tay đưa phim truyện video ra khỏi hệ thống giải thưởng. Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên lại LHP Việt Nam 1993, đến kỳ LHP lần thứ 20 này, các phim chiếu rạp đều đã được làm theo chuẩn kỹ thuật số tiên tiến, vì vậy việc cắt bỏ hạng mục này là điều cần thiết.
Năm 2017, LHP bước qua tuổi 20, đánh dấu một chặng đường với nhiều thăng trầm, nhưng đồng thời cũng góp phần tôn vinh nhiều tác phẩm lớn trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của điện ảnh Việt. Đó là lý do năm nay có thêm chương trình đặc biệt nhằm tuyển chọn những bộ phim đoạt giải cao trong 19 kỳ LHP Việt Nam.
Đảo của dân ngụ cư, một trong những phim từng chinh chiến các giải thưởng quốc tế
Có thể kể tên những bộ phim vang danh của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Nổi gió, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng 10, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà... cho đến các tác phẩm sau này như Mùi cỏ cháy, Đừng đốt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…
Ở LHP lần này sẽ diễn ra Hội thảo “LHP Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc” cũng góp phần làm rõ hơn về hành trình 19 mùa đã qua của Bông sen vàng trong dòng chảy chung của điện ảnh dân tộc trước xu thế hội nhập thế giới.
Một trong những điểm mới nhất tại LHP Việt Nam năm nay là lần đầu tiên có chương trình phim tham dự Giải thưởng phim ASEAN (Film ASEAN Awards). Chủ đề của Giải thưởng phim ASEAN là “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”.
Theo ban tổ chức: “Nhằm hướng đến các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, các nhà làm phim, nghệ sĩ điện ảnh có sức sáng tạo nổi bật trong các nước ASEAN để vinh danh; đồng thời, phát hiện và khích lệ tài năng mới”.
Mỗi quốc gia sẽ gửi 1 phim truyện dài đã chiếu thương mại trong năm 2016 và 2017 để tham dự. Đại diện của Việt Nam tham gia tranh giải năm nay là Dạ cổ hoài lang. Cũng liên quan đến chủ đề này, hội thảo “Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới” hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thông tin thú vị.
Theo thông báo, thành phần giám khảo LHP năm nay gồm: ông Jonathan Hyong-Joon Kim (đạo diễn, nhà sản xuất phim Hàn Quốc), cố vấn của Ủy ban Hàn Quốc - châu Âu về hợp tác văn hóa, thành viên của Hội đồng trao đổi văn hóa Nhật - Hàn và cố vấn về mảng quốc tế của Giải thưởng phim châu Á (AFA); ông Roger Garci - Giám đốc điều hành LHP quốc tế Hồng Công, Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm Giải thưởng điện ảnh châu Á; bà Karolina Bielawska - đạo diễn, biên kịch Ba Lan, người có trong tay hàng chục giải thưởng quốc tế lớn nhỏ. Họ cùng chọn lựa giải thưởng phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, nam và nữ diễn viên chính xuất sắc.
Tại LHP, các hoạt động chiếu phim, tuần lễ phim miễn phí cũng sẽ được tổ chức đồng thời ở cả Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM. Riêng tại Đà Nẵng, sẽ có 2 buổi chiếu phim ngoài trời và biểu diễn thời trang với bộ sưu tập áo dài Di sản của nhà thiết kế Nhật Dũng với sự góp mặt của nhiều hoa hậu, á hậu Việt Nam.
Ngày hội điện ảnh lớn nhất đã chính thức khai mạc. Kỳ LHP lần thứ 20 sẽ là một dấu ấn trên hành trình đưa điện ảnh Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giải trí hiện đại, nhân văn.