Liên hoan phim quốc tế TPHCM: Nâng tầm vị thế điện ảnh Việt

Hai liên hoan phim (LHP) sẽ diễn ra vào cuối năm nay và đầu năm 2024 tại TPHCM vừa được công bố mang đến sự hứng khởi và phấn chấn cho những nhà làm phim cũng như khán giả. Đây là những sự kiện nằm trong chiến lược đưa TPHCM trở thành thành phố điện ảnh, thành phố sáng tạo.
Phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ có thể góp mặt tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) 2024. Ảnh: ĐPCC
Phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ có thể góp mặt tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) 2024. Ảnh: ĐPCC

Vượt qua những khó khăn

Vì sao đến bây giờ TPHCM mới có LHP quốc tế TPHCM (HIFF 2024) dù từ nhiều năm qua thành phố luôn được coi là trung tâm điện ảnh của cả nước. Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, một trong những đơn vị phối hợp tổ chức, cho biết: “Từ năm 2006-2007, Hội Điện ảnh Việt Nam đã có đề án thực hiện LHP quốc tế tại TPHCM với công tác chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Thế nhưng, do luật khi đó không cho phép một hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp tổ chức LHP quốc tế nên dự định bất thành. Vừa qua, khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực, cho phép các địa phương được tổ chức LHP thì mọi việc mới thuận lợi để tổ chức”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn, một thành viên trong Ban cố vấn HIFF 2024, chia sẻ, cách đây khoảng 6-7 tháng khi ban tổ chức liên lạc và có những buổi trò chuyện đầu tiên, anh khá lo lắng. “Khi tổ chức một LHP quốc tế phải khác LHP bình thường. Đầu tiên, nó phải đúng quy chuẩn, định dạng quốc tế và có sự tham gia của nhiều quốc gia. Các bộ phim, thành phần ban giám khảo, nhà sản xuất, nhà làm phim tham dự... đến từ khắp nơi trên thế giới. Lo lắng của tôi ở đây là đơn vị tổ chức có đủ kinh nghiệm, sự kết nối hay không để làm được điều đó”, anh nhấn mạnh.

Lo lắng của đạo diễn Charlie Nguyễn hoàn toàn có cơ sở bởi nhân lực, cơ sở vật chất… trong lĩnh vực này đang là điểm yếu tại TPHCM. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, thẳng thắn nhìn nhận, thành phố đang thiếu nhà hát, trung tâm nghệ thuật quy mô lớn để tổ chức các sự kiện tầm quốc tế. Ông Phạm Minh Toàn,

Chủ tịch HĐQT Vietfest, đơn vị tư vấn tổ chức LHP cũng thừa nhận nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự chuyên nghiệp khi tổ chức HIFF 2024 cùng việc gây dựng và huy động nguồn quỹ hỗ trợ các tài năng trẻ... đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Không chỉ có LHP quốc tế TPHCM mà kế hoạch tổ chức LHP ngắn thành phố cũng đã được Hội Điện ảnh TPHCM ấp ủ suốt 2 nhiệm kỳ qua. Cuối tháng 10 tới đây, sự kiện sẽ diễn ra và dự kiến sẽ tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Theo bà Dương Cẩm Thúy, dù được đánh giá là trung tâm điện ảnh của cả nước, có đội ngũ các nhà làm phim năng động, sáng tạo nhưng sự phát triển điện ảnh ở TPHCM vẫn đang theo hướng tự phát, chưa có quy hoạch, chiến lược cụ thể.

“Chúng ta sẽ sản xuất bao nhiêu bộ phim; lượng khán giả đến rạp như thế nào; đội ngũ làm phim sẽ được đào tạo những gì để đáp ứng nhu cầu giải trí rất chính đáng của nhân dân, khán giả?... Đó là những câu hỏi mà đội ngũ người làm điện ảnh ở TPHCM trăn trở bấy lâu nay”, bà Cẩm Thúy cho biết.

Nhiều khán giả hy vọng Đất rừng phương Nam có thể góp mặt tại HIFF 2024. Ảnh: ĐPCC

Nhiều khán giả hy vọng Đất rừng phương Nam có thể góp mặt tại HIFF 2024. Ảnh: ĐPCC

Thời cơ và thuận lợi

HIFF 2024 là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược phát triển ngành điện ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín của điện ảnh thành phố, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch đến với bạn bè quốc tế; xây dựng thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn về văn hóa và đầu tư; đưa TPHCM trở thành một thành phố điện ảnh, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (mạng lưới UCCN). Do đó, LHP hướng đến việc khuyến khích sự đa dạng của nhiều nền điện ảnh, là sự kết hợp, chắt lọc giữa các hoạt động chuyên môn (như LHP Busan) cùng không khí lễ hội sôi động (như LHP Toronto, South by Southwest…).

Sau những lo lắng ban đầu, đạo diễn Charlie Nguyễn thừa nhận phần nào thở phào nhẹ nhõm, bởi làm việc cùng ban tổ chức anh thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm khi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng những bài học thành công và thất bại, đặc trưng, mô hình tổ chức của các LHP trên thế giới. Anh cho biết: “Tôi nghĩ ban tổ chức có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi nói đến khái niệm LHP quốc tế. Các bạn rất ý thức điều đó và có quá trình tìm hiểu sâu sát. Điều đó khiến tôi bớt đi sự lo lắng và hứng khởi tập trung vào công việc của mình là kết nối với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các LHP quốc tế”.

HĐND TPHCM vừa thông qua Nghị quyết “Quy định về nội dung chi và mức chi giải thưởng cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp”.

Các hạng mục giải thưởng của HIFF 2024 đã được ngân sách nhà nước đảm bảo, trong đó giải thưởng lớn cho phim xuất sắc nhất hiện là 120 triệu đồng (khoảng 5.000 USD) và dự kiến sẽ còn tăng nếu huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng hứa hẹn tạo lực đẩy mạnh mẽ cho lĩnh vực văn hóa, tạo thuận lợi cho việc tổ chức HIFF 2024.

Nhấn mạnh về nguồn nhân lực, theo ông Phạm Minh Toàn, cách để tiếp cận nhanh nhất với thị trường thế giới là tận dụng mọi cơ hội kết nối thông qua đội ngũ các nhà làm phim Việt kiều, những người Việt ở nước ngoài. Ông Toàn và đạo diễn Charlie Nguyễn đều cho biết, đã có rất nhiều sự chủ động, sẵn sàng hỗ trợ kết nối để đội ngũ tổ chức HIFF 2024 có cơ hội học hỏi, đào tạo từ các quốc gia, tổ chức có kinh nghiệm trên thế giới.

Theo bà Dương Cẩm Thúy, trong mục tiêu trở thành thành phố điện ảnh, một thuận lợi không hề nhỏ là TPHCM đang có sẵn đội ngũ làm phim hùng hậu, lượng lớn khán giả yêu thích phim ảnh. Vì thế, việc cần làm tiếp theo là chiến lược phát triển điện ảnh để tận dụng sự hỗ trợ và các nguồn lực của Nhà nước, xã hội hóa.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, Ban tổ chức HIFF 2024 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để HIFF phát triển quỹ hợp tác công tư hỗ trợ cho các nhà làm phim, cho điện ảnh TPHCM nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung. Ngay tại buổi công bố sự kiện HIFF 2024, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác, đồng hành cùng với LHP đã phản ánh một tín hiệu tích cực cho sự thành công của LHP.

Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Nơi tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc

Tính bản địa là một trong những yếu tố quan trọng của HIFF 2024. TPHCM là địa phương có bề dày và những giá trị văn hóa độc đáo, đa dạng với lịch sử hơn 320 năm - nơi hội tụ, trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên và tiếp biến văn hóa. Điều cốt lõi chúng tôi mong muốn là thông qua HIFF 2024 sẽ gìn giữ, tôn vinh những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, đặc trưng của TPHCM đồng thời trân trọng các dòng chảy văn hóa từ các quốc gia khác.

Đạo diễn CHARLIE NGUYỄN: Nỗ lực tạo dấu ấn đẹp

Có nhiều thứ để kỳ vọng nhưng tôi mong LHP sẽ tạo nên dấu ấn đẹp trong lòng các nhà làm phim, khán giả. Các khách mời sau khi tham dự HIFF sẽ có cái nhìn tích cực và họ thấy đây không phải LHP chỉ được tổ chức một lần rồi biến mất. Nó sẽ tạo nên tiền đề và truyền thống cho TPHCM. Do đó, theo tôi thay vì ôm đồm, phô trương hãy tổ chức sự kiện vừa phải, không rườm rà nhưng có chất lượng ở từng khâu, hạng mục, tránh những lỗi thường thấy ở các LHP nội địa. Quan trọng nhất nó phải đúng chuẩn quốc tế chứ không nên là sự kiện để các nhà làm phim Việt Nam đến cùng chia sẻ, trao giải cho nhau.

Diễn viên CHI BẢO: Ngày hội văn hóa của Việt Nam và quốc tế

Đây là lần đầu tiên TPHCM có LHP quốc tế. Theo tôi không có gì là muộn bởi tôi cảm nhận được năng lượng tích cực, sự khởi đầu với rất nhiều tấm lòng yêu thương. TPHCM có nhiều điều kiện, cơ hội tốt, là một trong những thị trường điện ảnh lớn nhất cả nước, có đội ngũ khán giả và những nhà làm phim đông đảo. Dù không quá kỳ vọng trong thời gian ngắn để HIFF có thương hiệu thành công vì nhiều LHP trên thế giới phải mất 5, 10, thậm chí 20 năm. Nhưng tôi tin với đội ngũ hiện tại, trong tương lai không xa HIFF sẽ là ngày hội văn hóa cả Việt Nam và quốc tế cùng hướng về.

Tin cùng chuyên mục