Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ nhất: Kết nối để cùng phát triển

Trong bức tranh của điện ảnh Đông Nam Á nói chung và điện ảnh TPHCM nói riêng, một trong những điều mang tính tiên quyết để cùng thành công là tạo ra một hệ sinh thái phim bền vững, tăng cường tính kết nối từ nội địa đến quốc tế.

Cùng nhau hợp tác

“Hợp tác” là từ khóa quan trọng nhất được bà Gayatri Nadya Paramytha đến từ Indonesia chia sẻ tại Hội nghị “Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á” tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế TPHCM (HIFF) sáng 8-4. Bà Gayatri nhấn mạnh, các LHP quốc tế có tác dụng rất lớn trong việc kết nối các nhà làm phim, giúp cho các tài năng trẻ có cơ hội vươn xa toàn cầu.

I6a.jpg
Khán giả giao lưu cùng đoàn làm phim Song lang ở rạp chiếu phim ngoài trời, tại sự kiện của HIFF 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để minh chứng, ông Anderson Le, Giám đốc tuyển phim HIFF, cho biết, đông đảo nhà làm phim Đông Nam Á đã đến TPHCM để tham gia sự kiện, cùng gặp gỡ, trải nghiệm, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Ông Raymond Phathanavirangoon, cựu lãnh đạo SEAFIC (Chương trình đào tạo dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á), đánh giá, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là một trong những nơi tốt nhất để làm việc với rất nhiều nhà làm phim trẻ tài năng, tiềm năng. Còn ông Thomas Nam, đến từ LHP quốc tế Buncheon (Hàn Quốc) nhấn mạnh đến sự linh hoạt của các nhà làm phim Việt - đang phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Trong câu chuyện hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á, xây dựng hệ sinh thái phim bền vững được xem là yếu tố tiên quyết để tạo ra một ngành công nghiệp thực sự. Tính bền vững ở đây, theo bà Gayatri là cần có những bước đi nhỏ, vững chắc và đảm bảo duy trì mối quan hệ, tăng cường mở rộng các hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, vì mỗi quốc gia đều có những yếu tố nhạy cảm riêng, nên việc tôn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khía cạnh văn hóa đặc trưng là điều tối quan trọng.

Nguồn vốn làm phim cũng là chủ đề nhận được nhiều chia sẻ. Các diễn giả đều cho rằng, sự hỗ trợ từ chính phủ trong sản xuất phim hoặc tổ chức các sự kiện như LHP giúp ích rất nhiều cho các nhà làm phim trong học hỏi, giao lưu và tạo ra mạng lưới để củng cố, mở rộng. Đồng thời, là cơ hội để tài năng trẻ thể hiện năng lực và các nhà đầu tư, sản xuất cũng có không gian để phát hiện ra họ.

Một trong những giải pháp thúc đẩy tính liên kết trong khu vực được các chuyên gia hiến kế là hình thức đồng sản xuất. Theo ông Si En Tan, Giám đốc điều hành Momo Film, việc đồng sản xuất giúp chia sẻ chuyên môn, nhân tài, hỗ trợ quản trị rủi ro, và đặc biệt tạo thêm cơ hội phát hành ở nhiều quốc gia.

“Tôi nghĩ, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về công tác quản trị rủi ro nhằm đa dạng hóa nguồn tiền, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chuyên môn, tăng giá trị sản xuất…, từ đó dự án sẽ mang tầm vĩ mô hơn”, ông Dan Truong, cựu quản lý Quỹ phim Amazon Prime Video, hiến kế.

Tuy nhiên, bà Liza Dino - Giám đốc điều hành Chợ dự án Qcinema, cho rằng, hình thức này nên được nhìn nhận đa chiều, cả nội bộ trong một quốc gia và giữa các quốc gia. Trước khi đi đến bất kỳ quyết định nào, cần xem xét từng trường hợp để đảm bảo sự phù hợp cao nhất cho bộ phim đó.

Phát huy nội lực để cất cánh

Trong bức tranh chung của điện ảnh Đông Nam Á, đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) TPHCM đến năm 2030 xác định công nghiệp điện ảnh là 1 trong 8 ngành CNVH trọng điểm, với tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, ước đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025 (phim Việt Nam chiếm khoảng 30% doanh thu), dự kiến đóng góp 0,4% GRDP vào năm 2025.

Hiện tại, điện ảnh TPHCM đang đối diện nhiều thách thức. Tại tọa đàm “Phát triển điện ảnh TPHCM”, nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền nhấn mạnh đến sự thiếu hụt về phim trường, đặc biệt khi thực hiện thể loại phim cổ trang, lịch sử cách mạng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV Việt Nam, và bà Ngô Bích Hạnh, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch BHD, cùng quan ngại về những điều chỉnh trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng mới, dự kiến tăng từ 5% lên 10%, bên cạnh những chi phí cố định vốn đang rất cao: tiền thuê mặt bằng, điện, nước…

Tuy nhiên, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã tạo điều kiện thuận lợi và có nhiều chính sách hứa hẹn sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, “cởi trói” từ gốc các vấn đề. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HIFC) thông tin, trong các chính sách mới có hạng mục hỗ trợ xây dựng cụm rạp chiếu phim có quy mô từ 1.000 chỗ ngồi trở lên, vốn vay tối đa 200 tỷ đồng trong vòng 7 năm, lãi suất 0%.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) cũng tiết lộ, trong tháng 4 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về CNVH với mục tiêu giúp các nhà sản xuất phim kết nối giao thương, hợp tác, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thông tin giai đoạn từ nay đến năm 2030, tổng kinh phí đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển các ngành CNVH trên địa bàn TPHCM, trong đó có điện ảnh lên đến hơn 14.600 tỷ đồng. Ông Huy Vũ cũng đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm: đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực; rà soát, đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim…

Hiến kế cho điện ảnh TPHCM, nhiều nhà quản lý, chuyên gia nước ngoài cũng đưa ra những giải pháp thiết thực. Ông Kim Donghyun, đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), cho biết, điện ảnh Việt đang giống Hàn Quốc vào những năm 2000 khi thị trường trong quá trình mở rộng, có nhiều nguồn lực đầu tư và nhiều tác phẩm được tạo ra.

“Tôi hy vọng Việt Nam sẽ có những định hướng phù hợp, đặc biệt trong việc sử dụng và phát huy các chất liệu văn hóa bản địa. Những kinh nghiệm của Hàn Quốc hy vọng cũng là bài học để Việt Nam không mắc phải những sai lầm chúng tôi đã trải qua”, ông cho biết.

Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, nêu ra 3 nhóm giải pháp: thành lập ủy ban về điện ảnh nhằm giải quyết mọi thắc mắc, cung cấp thông tin đầy đủ về điện ảnh thành phố; có quỹ tài chính hỗ trợ các đoàn phim; tham gia nhiều hơn các sự kiện điện ảnh quốc tế để quảng bá hình ảnh TPHCM ngày càng sâu rộng.

Trong ngày 8-4, HIFF cũng tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động sôi động của Chợ dự án, Vườn ươm kịch bản, Triển lãm nội dung... bên cạnh việc trình chiếu các phim tranh giải và gala, chiếu và giao lưu đoàn phim tại công viên điện ảnh. Điểm nhấn đặc biệt trong ngày 8-4 là buổi công chiếu toàn cầu (world premiere) bộ phim tài liệu dài 73 phút Dearest Viet về Nguyễn Đức - người em trong ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức nổi tiếng.

Trong ngày 9-4, các hoạt động tại HIFF gồm các hội thảo: LHP toàn cầu 101, Tiếp cận các quỹ làm phim quốc tế. Ngoài ra, sẽ tiếp tục các hoạt động của Chợ dự án, Vườn ươm kịch bản, Triển lãm nội dung… Một số phim nổi bật được trình chiếu trong ngày 9-4 như: Những đứa trẻ trong sương, Mùa ổi, Song lang, Dreaming & Dying, Waiting For The Light To Change, 13 Bombs, City of Wind, Tenement… Lúc 19 giờ tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra Cineshow nhạc Việt trong phim.

Trong phiên thảo luận chiều 8-4 với chủ đề “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu”, các chuyên gia đánh giá, tuy hoạt hình là ngành non trẻ nhưng Việt Nam hiện có hàng trăm studio, hơn 10.000 nhân sự và có rất nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác ở châu Á, châu Âu, Mỹ, trong đó có nhiều phim bom tấn. Việt Nam được đánh giá đang là điểm đến của ngành kỹ xảo, dù đội ngũ nhỏ nhưng nhiều nhân tài. Hiện nhiều trường đại học trong nước cũng có các khoa đào tạo về 3D, kỹ xảo. Cơ hội làm việc cho các đối tác lớn ở nước ngoài cũng mang đến cơ hội học hỏi giúp đội ngũ làm kỹ xảo ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện về tay nghề.

“Việt Nam có tiềm năng để vươn ra biển lớn”, anh Thierry Nguyen, đồng sáng lập Badclay Studio - CEO của AIOI Studios, khẳng định.

Tuy nhiên, ngành kỹ xảo ở Việt Nam hiện cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt việc “chảy máu chất xám” khi hơn 60% studio ở Việt Nam đang làm việc với các khách hàng nước ngoài. Về đào tạo, đa phần nhân sự đang làm việc trong các studio theo hình thức vừa học vừa làm, lại thường xuyên nhảy việc, dẫn đến thiếu sự chuyên sâu, chuyên môn cao. Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh kiến thức chuyên môn, đội ngũ làm nghề còn cần phải trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với khách hàng.

Tin cùng chuyên mục