Điểm đến trên bản đồ điện ảnh quốc tế
HANIFF VII là sự kiện điện ảnh lớn, quy tụ nhiều tác phẩm xuất sắc từ các nền điện ảnh danh tiếng như Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Với hơn 500 bộ phim đăng ký tham gia, chỉ có 117 tác phẩm được chọn để trình chiếu, chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc lựa chọn những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao và mang đậm tính sáng tạo. Những bộ phim tham dự HANIFF VII sẽ được chia thành nhiều chương trình đặc sắc, gồm: phim Việt Nam đương đại, tiêu điểm điện ảnh Đức, toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama)…
Sự đa dạng về chủ đề và thể loại của các bộ phim tham dự là một trong những yếu tố khiến HANIFF VII trở nên đặc biệt. Các tác phẩm này không chỉ phản ánh câu chuyện xã hội, văn hóa từ các quốc gia khác nhau, mà còn thể hiện những sáng tạo độc đáo của các nhà làm phim quốc tế. Điều này mang đến cho khán giả Việt Nam và bạn bè quốc tế những trải nghiệm phong phú, đa chiều về điện ảnh thế giới.
Cùng với đó, HANIFF VII còn có nhiều hoạt động bên lề, nổi bật là các hội thảo chuyên đề và chợ dự án phim, là cơ hội để các nhà làm phim giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các hội thảo tại liên hoan phim sẽ bàn về những chủ đề nóng của ngành điện ảnh, như việc sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học và xu hướng làm phim sáng tạo. Đây là cơ hội để các nền điện ảnh giao lưu và học hỏi, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số và sản xuất phim quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Với sự tham gia của các tác phẩm nổi bật từ nhiều quốc gia và các dự án phim Việt Nam đầy triển vọng, HANIFF VII tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong làng điện ảnh thế giới. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông nhận định: "HANIFF VII sẽ là bước đệm quan trọng đưa Hà Nội trở thành một điểm đến không thể thiếu trên bản đồ điện ảnh quốc tế".
Tối 7-11, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) 2024 với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh” do Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội đã khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết, HANIFF 2024 thu hút sự tham gia của 51 nền điện ảnh các quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình đa dạng về đề tài và phương pháp thể hiện, đưa tới cho khán giả những vấn đề của toàn cầu, những mảng đời sống xã hội đa dạng cũng như vẻ đẹp, phong tục tập quán riêng của mỗi dân tộc trên thế giới. Đây cũng là dịp các nhà sản xuất, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc trong nước và quốc tế lan tỏa sự đam mê nghề nghiệp, tìm cơ hội hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
HANIFF VII không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, giúp điện ảnh Việt ghi dấu ấn trong hội nhập quốc tế.
Liệu phim Việt Nam có thể tạo dấu ấn?
Điện ảnh Việt Nam có sự hiện diện mạnh mẽ tại HANIFF VII, trong đó, hạng mục phim dài dự thi có sự tham gia của Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh). Đây là một tín hiệu tích cực, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam, khi bộ phim này được chọn tham gia một sự kiện điện ảnh quốc tế uy tín như HANIFF.
Ở hạng mục phim ngắn, với 8 tác phẩm dự thi đã cho thấy sự đa dạng và sáng tạo của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Các bộ phim này không chỉ phản ánh những câu chuyện về xã hội, con người Việt Nam, mà còn thể hiện sự nỗ lực của các nhà làm phim trong việc làm mới điện ảnh nước nhà. Từ những bộ phim mang đậm màu sắc dân gian đến tác phẩm đương đại, các nhà làm phim Việt Nam không ngừng sáng tạo và tìm tòi cách thức thể hiện mới mẻ trong điện ảnh.
Bên cạnh đó, Chợ dự án phim là một điểm sáng trong liên hoan phim năm nay, khi có đến 4 dự án phim Việt Nam lọt vào danh sách dự án nổi bật, chiếm tới một nửa số dự án của chương trình. Điều này không chỉ giúp các nhà làm phim Việt Nam có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư quốc tế mà còn tạo ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. “Điện ảnh Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Việc các dự án điện ảnh Việt Nam chiếm một nửa số lượng dự án tại Chợ dự án phim lần này là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc và khát khao vươn ra thế giới của các nhà làm phim Việt", ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ.
HANIFF lần này cũng đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua điện ảnh. Chương trình phim Việt Nam đương đại tại HANIFF VII sẽ giới thiệu 33 bộ phim, gồm 21 phim truyện, 6 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình. Ngoài ra, chương trình “Phim Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô” sẽ đem đến khán giả trong và ngoài nước những bộ phim kinh điển về Hà Nội, như: Hà Nội mùa đông năm 46; Em bé Hà Nội, Long Thành cầm giả ca. Đây là dịp để khán giả trong nước và quốc tế hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội qua những tác phẩm điện ảnh đặc sắc.
Xem phim… “bí ẩn”
Lần đầu tiên, khán giả điện ảnh Việt có cơ hội trải nghiệm một hình thức xem phim hoàn toàn mới: xem phim mà không biết bất cứ thông tin nào về tác phẩm.
Trước giờ công chiếu, điều duy nhất mà khán giả biết về bộ phim mình chuẩn bị xem là dòng chữ: “Bộ phim bí ẩn” và dán nhãn T16 (phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên). Mọi thông tin còn lại đều được giữ kín, từ nội dung, đạo diễn, dàn diễn viên đến poster quảng bá.
Chưa hết, trước buổi công chiếu đầu tiên, ban tổ chức cũng không ngừng nhắc nhở khách mời, sau khi xem phim vui lòng giữ kín mọi thông tin, nhằm đảm bảo sự bất ngờ và thú vị cho những suất chiếu sau đó, kéo dài cho đến ngày 15-11, thời điểm phim mới chính thức ra mắt.
“Hình thức chiếu phim “bí ẩn” đã rất quen thuộc tại các LHP quốc tế lớn như Cannes (Pháp), Sundance (Mỹ), Busan (Hàn Quốc). Cho tới nay, suất chiếu “bí ẩn”/suất chiếu “mù” vẫn là một hoạt động mang lại sự hấp dẫn và trải nghiệm thú vị của các LHP, thậm chí có cả các cuộc thi phỏng đoán tác phẩm nào sẽ được trình chiếu trong các suất chiếu đặc biệt này”, bà Ngô Thị Bích Hiền, đại diện nhà phát hành BHD, chia sẻ. Hoạt động này cũng nằm trong nỗ lực đồng hành, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của một đạo diễn 9X.
Bỏ qua những đánh giá về chất lượng, bởi mỗi tác phẩm điện ảnh đều mang một màu sắc riêng và nhận được những phản hồi đa dạng. Việc yêu thích một bộ phim cũng phụ thuộc vào thị hiếu cá nhân của từng khán giả. Tuy nhiên, hình thức xem phim "bí ẩn" này mang đến một trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn mới. Bên cạnh việc kích thích sự tò mò, nó còn khơi dậy tình yêu điện ảnh thuần khiết. Khi không bị giới hạn bởi bất kỳ thông tin nào từ trước, khán giả được tự do đắm mình vào câu chuyện, khám phá những bất ngờ mà bộ phim mang lại. Điều này giúp khán giả tập trung vào trải nghiệm trực tiếp với tác phẩm, mà không bị chi phối bởi những kỳ vọng hay định kiến.
Hy vọng rằng, bên cạnh hình thức chiếu phim truyền thống, mô hình chiếu phim "bí ẩn" sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Bởi lẽ, việc đa dạng hóa trải nghiệm không chỉ là một xu hướng mới, mà còn là yếu tố quan trọng để thu hút khán giả và phát triển thị trường điện ảnh. Khi được trải nghiệm một bộ phim một cách hoàn toàn mới mẻ, khán giả sẽ có những góc nhìn khác biệt, từ đó tạo nên một cộng đồng yêu phim sôi động và đa dạng hơn.
HẢI DUY