Chủ đề của LHP năm nay là “Bekaffi”, nghĩa là đã đến lúc chấm dứt tình trạng chia rẽ nội bộ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là trẻ em ở Palestine.
Thông qua LHP, ban tổ chức mong muốn chuyển đến thế giới một thông điệp: đã quá đủ với 12 năm bị Israel phong tỏa và 12 năm chia rẽ nội bộ Palestine, đẩy 2 triệu người Palestine vào cảnh khốn cùng. Thông qua các hoạt động tại LHP, nhà tổ chức cũng muốn nhắn nhủ rằng, người dân Gaza muốn sống một cuộc sống bình thường như người dân ở các quốc gia hòa bình trên thế giới.
Theo Giám đốc điều hành LHP Abdul Rahman Husein, trước khi diễn ra LHP, hàng chục nhà làm phim từ Palestine, Arab và nhiều nước khác trên thế giới đã đăng ký tham dự sự kiện lần này. Ít nhất 50 bộ phim đã được chọn để công chiếu phục vụ khán giả tại dải Gaza.
Bên cạnh đó, nhiều bộ phim tài liệu và phim hoạt hình hấp dẫn lần lượt được công chiếu tại hàng chục trường học và trung tâm văn hóa trên khắp khu vực này. Ông Abdul Rahman Husein cho biết, LHP tổ chức vào năm ngoái đã khiến khán giả Gaza phấn khích và bất ngờ, bởi đã rất lâu họ mới có dịp thưởng thức trọn vẹn nhiều tác phẩm điện ảnh phản ánh chân thực cuộc sống trong vùng xung đột.
Có lẽ vì thế mà điểm nhấn trong LHP năm nay là Between Two Crossing Points đã được chọn trình chiếu trong ngày khai mạc LHP, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Bộ phim bày tỏ nỗi đau đớn của người dân dải Gaza tại điểm giao thoa trên khu vực biên giới, với một bên giáp Israel và bên kia giáp Ai Cập. Chính Yasser Murtaja - đạo diễn, nhà quay phim, cũng là nhà sản xuất phim, đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối Israel nổ ra ở khu vực phía Đông dải Gaza ngày 30-3 vừa qua.
Chia sẻ cảm xúc sau khi tham dự buổi trình chiếu khai mạc LHP, Samah Ibrahim, 37 tuổi, cho biết ban đầu cô đến LHP là do tò mò vì chưa từng đến một sự kiện lớn như thế này. Nhưng sau đó cô nhận ra rằng, đây là một sự kiện mang đến nhiều thông điệp, không đơn thuần là sự kiện giải trí. “Thật khác biệt, LHP giúp mọi người tạm quên đi tình cảnh khốn khó ở dải Gaza và phần nào giúp chúng tôi tạm quên đi cuộc sống đầy nhọc nhằn và lo âu”, Samah Ibrahim nói.
Cách đây 30 năm, đã có 10 rạp chiếu phim hoạt động tại dải Gaza. Tuy nhiên, những điểm phục vụ đời sống tinh thần này lần lượt bị đóng cửa kể từ khi phong trào Intifada của Palestine phản đối Israel nổ ra năm 1987.
Hiện một số nhà sản xuất phim truyện đang nỗ lực làm sống dậy môn nghệ thuật thứ bảy này tại dải Gaza thông qua hoạt động giới thiệu nền điện ảnh Palestine bằng các sự kiện nghệ thuật. Trước đó, vào tháng 10, người dân ở Gaza đã có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng ở LHP Những ngày điện ảnh Palestine. LHP này từng đến thành phố Ramallah ở bờ Tây và một số khu vực khác như Jerusalem, Nablus, Bethlehem.
LHP đã trình chiếu khoảng 60 bộ phim của các đạo Palestine và nhiều nhà làm phim quốc tế đến từ Pháp, Đức, Canada, Syria, Ai Cập, Lebanon, Jordan, Iraq, Tunisia, Morocco, Algeria, Mỹ, Hy Lạp, Nhật Bản, Brazil, Thụy Điển, Chile.