Liên hoan phim khoa học: Lặng lẽ và bền bỉ

Từ chỗ đơn thuần chỉ chiếu phim phục vụ các trường, Liên hoan phim khoa học (Science Film Festival - SFF) đã dần là đơn vị cung cấp các giải pháp và công cụ để các thầy cô, học sinh tự biến những bộ phim thành trải nghiệm thú vị. Cùng với mô hình bánh xe tri thức, tổ chức đồng thời hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến đã giúp SFF có lượng tiếp cận ngày càng rộng khắp và đông đảo đến thầy cô, học sinh ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Thầm lặng mà sôi nổi

Lễ phát động SFF 2024 tại TPHCM diễn ra đầy hứng khởi. Hàng trăm học sinh nhiều lứa tuổi và phụ huynh cùng tham gia nhiều hoạt động bổ ích: xem phim, trải nghiệm không gian khoa học với các trò chơi boardgame, thực tế ảo (VR); tham gia các thí nghiệm… Không gian phòng chiếu phim của thư viện ban đầu rôm rả tiếng cười nhưng khi bộ phim Ngôi nhà của các khoa học gia nhí - Muối (Thái Lan) được trình chiếu, tất cả đều yên lặng, chăm chú theo dõi.

A6a.jpg
Nhiều học sinh hào hứng tham gia làm thí nghiệm sau các buổi chiếu phim của SFF 2024

Anh Hoàng Dương, tổng điều phối SFF, tiết lộ, ước tính qua 13 mùa diễn ra (từ năm 2011 đến 2023) có tổng số khoảng 500.000 lượt khán giả tiếp cận với các hoạt động đa dạng của sự kiện. Vốn là một thạc sĩ tâm lý kiêm giáo viên Toán - Tin, niềm vui lớn nhất của anh là nhìn thấy sự phát triển và lan tỏa của SFF.

“Ngày càng có nhiều trường học, các thư viện, viện nghiên cứu, các thầy cô giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh nhìn nhận sự kiện với góc nhìn cởi mở, thú vị và đầy tính khám phá. Mỗi năm sự kiện lại có thêm những đối tác giúp SFF phát triển rộng khắp, tiếp cận được nhiều người hơn”, anh Hoàng Dương chia sẻ.

Cụ thể, vào năm 2023, sự kiện đã tổ chức tổng cộng 500 buổi chiếu phim, thu hút khoảng 40.000 lượt khán giả tham dự. SFF cũng có một cộng đồng gồm khoảng 400 đại sứ là các thầy cô, học sinh và sự đồng hành của khoảng 100 đối tác trên toàn quốc.

Sau lễ phát động tại TPHCM và Hà Nội, các hoạt động của SFF bắt đầu lan tỏa ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại TP Đà Lạt, sau khi xem phim về khoa học, các em nhỏ đã được hướng dẫn thực hiện các thí nghiệm thú vị liên quan đến muối như tạo muối từ nước biển, từ acid và base. Hay buổi chiếu phim tại Trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận Bình Thạnh, TPHCM), sau khi xem 4 bộ phim khoa học, các em đã tham gia các trò chơi kiến thức như Tôi là ai, Kết nối năng lượng... Buổi trình chiếu cuối tháng 10 vừa qua tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM đã phải đóng link đăng ký sớm hơn dự kiến do số người tham gia quá đông, ngoài mong đợi của ban tổ chức.

Giáo dục song hành giải trí

SFF được xem là một trong những dự án thành công nhất toàn cầu của Viện Goethe. Bắt đầu từ năm 2005, đến nay, dự án này ước tính đã phổ cập kiến thức khoa học cho hàng triệu trẻ em ở 4 châu lục. Các chủ đề chính của dự án đều tập trung vào mong muốn nâng cao nhận thức về việc khí hậu đang biến đổi, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự cấp thiết trong việc bảo tồn hành tinh chúng ta đang sinh sống.

Thông thường, khi nhắc đến các phim khoa học, đa phần mọi người thường nghĩ sẽ khô khan, khó tiếp cận số đông. Ban đầu, SFF cũng đi vào con đường này với cách thực hiện kiểu cũ, đội ngũ chuyên gia khoa học đồng thời là người thiết kế các hoạt động và đưa ra những gợi ý, hướng dẫn. Tuy nhiên, qua 3 lần chuyển đổi mô hình, SFF đã tìm được hướng đi mới, theo đó, yếu tố giáo dục chỉ mang tính bổ trợ, làm phong phú trải nghiệm xem phim, trong khi tính giải trí và gắn kết cộng đồng được nâng cao hơn. Cách làm mới đã thể hiện sự đúng đắn khi dần thu hút khán giả, nhất là các em học sinh, mang đến cái nhìn mới về phim khoa học.

“Không còn việc chỉ có chiếu và xem phim trong một liên hoan phim. Nhiều hoạt động thực hành thú vị đã được chuẩn bị cho khán giả, những thí nghiệm vui và các dự án tương tác đi kèm các bộ phim chính là phần cốt lõi của liên hoan. Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ hãy tham gia, đặt câu hỏi và sẵn sàng “chịu bẩn”, bởi vì bản chất thật sự của khoa học chính là tò mò và khám phá”, đại diện Viện Goethe cho biết.

Một điểm thú vị của SFF là không chỉ giới hạn trong thời gian diễn ra liên hoan, tinh thần và các cuộc thảo luận còn được lồng ghép vào các tài liệu giảng dạy, trở thành một nguồn tài nguyên và phương pháp dùng suốt cả năm. Ngay cả khi không được xem phim, các nội dung, kiến thức của SFF vẫn được lan tỏa thông qua việc xem các video, thực hành thí nghiệm vào từng tiết dạy và các dự án học tập. SFF cũng đã trao quyền cho học sinh trở thành những đại sứ khoa học trẻ, có thể tự tổ chức các buổi chiếu phim và hoạt động của SFF, tạo ra những trải nghiệm học tập hấp dẫn.

Tin cùng chuyên mục