Là một liên hoan nghệ thuật truyền thống, được tổ chức hai năm một lần, sau 5 lần tổ chức thành công, liên hoan đã trở thành một thương hiệu uy tín của Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM.
Mỗi kỳ liên hoan luôn thu hút sự quan tâm theo dõi và đăng ký tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập là các vũ đoàn, nhóm múa của các trường đại học, công ty tư nhân...
Theo thời gian, liên hoan dần quen thuộc với những người làm nghề và khán giả yêu thích nghệ thật múa. Đây thực sự là một sân chơi trình diễn nghệ thuật múa độc đáo, hấp dẫn, ngày càng mở rộng được quy mô, nâng chất trình diễn nghệ thuật của các diễn viên và góp phần thúc đẩy sức sáng tạo nghệ thuật của các biên đạo múa trẻ tâm huyết với nghề.
Nhìn lại quá khứ, theo từng kỳ liên hoan, dễ dàng nhân thấy sự lên tay nghề của đội ngũ biên đạo, diễn viên trẻ đang theo đuổi nghệ thuật múa. Các bạn rất chịu khó học hỏi, biết định hướng học tập bài bản từ trường lớp chính quy để bổ sung nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng sáng tạo, mặt khác cũng rất chịu khó lăn xả với nghề, tham gia nhiệt thành trong công tác dàn dựng, biểu diễn ở nhiều chương trình lễ hội, ca múa nhạc tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam.
Sức trẻ năng động cũng nhanh nhạy cập nhật các thông tin, kiến thức mới về nghệ thuật múa trên thế giới, đặc biệt là múa đương đại, để làm mới các tác phẩm, đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng, giúp đẩy mạnh công tác quảng bá và lan tỏa nghệ thuật múa trong đời sống hiện đại.
Cũng từ đó, nhiều tác phẩm múa chất lượng ra đời, thể hiện được nhiều phong cách riêng biệt, mang tính chuyên nghiệp cao, giúp đem lại cho lĩnh vực nghệ thuật múa tại TPHCM nhiều sắc màu tươi mới.
Với ý nghĩa để liên hoan ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng, ban tổ chức liên hoan luôn mong muốn đây sẽ là một sân chơi nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo, giúp những người trẻ đang làm nghề có dịp trao đổi, giao lưu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, phát huy tư duy sáng tạo và tài năng cá nhân, nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn nghệ thuật và tiếp cận dần với quy chuẩn các cuộc liên hoan múa khu vực và quốc tế trong tương lai.
Cũng thông qua liên hoan, các nhà quản lý nghệ thuật lại có dịp nhìn lại và đánh giá thực trạng lực lượng biên đạo, diễn viên múa, từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển nghệ thuật múa trong tương lai. Qua đó ra sức gìn giữ, quảng bá các giá trị nghệ thuật đặc sắc của nghệ thuật múa trong đời sống văn hóa nghệ thuật.
Vì sự ảnh hưởng của tình hình bệnh dịch nên liên hoan lần 6 được tổ chức khá trễ. Việc tổ chức liên hoan được Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ múa TPHCM quyết định thực hiện cách đây chỉ 1 tháng, nhưng khi ra thông báo vẫn đón nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các đơn vị và cá nhân.
So với liên hoan lần 5, sân chơi nghệ thuật múa năm nay nhận được nhiều tác phẩm dự thi hơn, chất lượng các tác phẩm tham gia cũng được BTC đánh giá nhỉnh hơn vì sự góp mặt của nhiều biên đạo và diễn viên múa tài năng.
Có 19 đơn vị gồm Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM, Trường Trung cấp Múa TPHCM, Đoàn Văn công Quân khu 7, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa), Phân hội múa tỉnh An Giang, Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Long, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, các vũ đoàn, công ty, nhóm múa các trường đại học và 14 cá nhân, đăng ký tham gia thi diễn 55 tác phẩm múa nhiều thể loại: ballet, ballet hiện đại, dân gian, dân gian đương đại, đương đại.
Liên hoan không hạn chế về đề tài, hình thức thể hiện và thể loại trình diễn, cũng không giới hạn sử dụng các chất liệu ngôn ngữ múa. Yêu cầu tác phẩm dự thi có chủ đề tư tưởng rõ ràng, nội dung các tác phẩm được hướng đến là sự phản ảnh chân thực, sâu sắc, sinh động cuộc sống nhiều màu sắc của xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn.
Ban tổ chức cũng khuyến khích các đơn vị sáng tạo các tác phẩm múa chủ đề về TPHCM, biên cương, hải đảo và hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh...
Âm nhạc sử dụng cho tác phẩm múa là các sáng tác mới hoặc sưu tầm, biên tập lại, ưu tiên âm nhạc Việt Nam. Theo quy định, mỗi tác phẩm múa được dàn dựng từ 5 đến 10 phút, được chấm theo tiêu chí kết cấu ngôn ngữ múa, âm nhạc, hình thức sân khấu...