Sau gần 8 tháng các sàn diễn kịch nói TPHCM ngừng hoạt động, đến những tháng cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM có sự chuyển biến tốt hơn, cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường, TPHCM quyết định đăng cai tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 để tạo điều kiện “hâm nóng” bầu không khí hoạt động biểu diễn kịch nói.
Tại liên hoan, 2/3 tác phẩm tham gia là những vở diễn mới, số còn lại là tác phẩm được các sân khấu đầu tư thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 để phục vụ khán giả trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu nhưng không thể trình diễn vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến với liên hoan, được dịp sáng đèn trở lại, các ê kíp đã nỗ lực dàn dựng, tập luyện, trau chuốt các vở diễn với mong muốn đem lại cho liên hoan và người xem những tác phẩm sân khấu chỉn chu, chất lượng.
Thưởng thức các vở diễn, người xem có thể tìm thấy sự đa sắc trong mỗi tác phẩm sân khấu, cảm nhận những vấn đề rất gần gũi với đời sống con người thời đại. Đó là sự tri ân và hồi tưởng về một quá khứ oanh liệt hào hùng của dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; sự tồn tại và ảnh hưởng của chất độc da cam với bao phận đời sau cuộc chiến; giá trị cao quý của tình yêu, hôn nhân gia đình; cuộc chiến chống tham nhũng căng thẳng; cuộc chiến chống dịch bệnh đầy cam go, hiểm nguy; sự đồng lòng, sẻ chia của các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn chung của đất nước…
NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Liên hoan lần này được thành phố chú trọng đầu tư tổ chức quy mô, có sự tác động rất tốt đến nghệ sĩ phía Nam. Đây cũng là cú hích mạnh mẽ để nghệ sĩ kịch nói phía Nam có điều kiện làm nghề và ghi danh mình qua các tác phẩm, vai diễn. Tuy vẫn còn bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, nhưng lực lượng tham gia liên hoan khá hùng hậu và là sự nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ. Tất cả cùng phát huy lòng yêu nghề, gìn giữ và lan tỏa các giá trị của nghệ thuật kịch nói trong đời sống văn hóa nghệ thuật chung của thành phố, đồng thời khẳng định đặc điểm kịch nói rất riêng của sân khấu phía Nam, đó là những sân khấu đời thường”.
Có thể thấy, các ê kíp khéo léo khai thác những dấu ấn đặc biệt về thân phận con người, phản ánh những vấn đề mà xã hội quan tâm, và mong muốn cùng người xem hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ.
Trong loạt nhân vật kịch đó có hình ảnh những người dân chân chất yêu quê hương đất nước, có chung một lý tưởng cách mạng (vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung - Nhà hát Kịch TPHCM, Câu hò đất mẹ - Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Phiêu Linh); những con người nhân ái sống trong cuộc đời bằng tất cả tấm lòng sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ khi ai đó gặp khó khăn (Lạc giữa biển người - Hội Sân khấu TPHCM, Thành phố tình yêu - Nhà hát Kịch TPHCM, Sài Gòn có một ngã tư - Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh); cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, sự sống còn và những điều đọng lại sau trận dịch đối với con người, xã hội hôm nay (Blouse trắng - Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, Sự sống - Công ty TNHH Đào tạo Truyền thông và Giải trí HN Media)...
Năm 2021, do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên các đơn vị nghệ thuật tại TPHCM không thể tham gia liên hoan diễn ra tại TP Hải Phòng. Đến nay, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, được sự chấp thuận của Bộ VH-TT-DL và UBND TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2. |