Sân chơi chuyên nghiệp
Liên hoan lần này mở rộng phạm vi đối tượng tham dự và cả đề tài. Tham gia liên hoan, các đơn vị nghệ thuật đã rất cân nhắc khi chọn lựa vở diễn, chú trọng chất lượng, giá trị tư tưởng và tính nghệ thuật của tác phẩm. Các ê kíp tất bật sáng đêm trên sàn tập, trau chuốt từng phân cảnh để hoàn thiện từng vở diễn.
Trong loạt cải lương góp mặt tại liên hoan năm nay, có một số đơn vị gây được sự chú ý như: Nhà hát Cải lương Việt Nam với 2 vở Chiếc áo thiên nga và Ngạ quỷ; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai với Anh hùng di hận và Hồi sinh; Nhà hát Cải lương Hà Nội tham gia 3 vở Những tấm lòng vàng, Nước mắt không chảy ngược và Thất trảm sớ; Nhà hát Tây Đô có Cánh buồm ngược gió; Đoàn Văn công Đồng Tháp với Người đồng bằng; Đoàn Văn công Quân khu 9 với Phù sa đỏ; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đặt nhiều kỳ vọng với Cuộc đời của mẹ; Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang đầu tư cho Tiếng vọng hang hòn; Nhà hát Cao Văn Lầu dự thi 2 vở Mùa xuân bất tận và Cuộc chiến thời bình…
Riêng TPHCM ghi điểm vì có số lượng đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập tham gia khá đông: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tham gia 3 vở Hiu hiu gió bấc, Tình yêu thời chiến, Ngày đó họ đều còn trẻ; Hội sân khấu TPHCM góp sức bằng Những con sóng vô hình; Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM đầu tư chăm chút cho Tổ quốc nơi cuối con đường.
Trong những đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, người trong nghề chú ý đến vở Rạng ngọc Côn Sơn của NSƯT Kim Tử Long, Thái hậu Dương Vân Nga của Sân khấu Lê Hoàng, Hồn của đá của Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc…
Liên hoan lần này bên cạnh nhiều NSND, NSƯT, các đạo diễn có tay nghề là không ít những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng. NSƯT Thanh Điền chia sẻ: “Liên hoan là dịp để anh em nghệ sĩ có dịp gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau. Kỳ liên hoan này, tôi rất vui khi được cùng góp sức với vai diễn luật sư trong vở cải lương về Bác Hồ Tổ quốc nơi cuối con đường”.
Tìm cái mới cho sân khấu cải lương
Ban tổ chức tạo nhiều điều kiện để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập thuận lợi khi tham gia liên hoan. Ngoài điểm thi diễn chính tại Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, ban tổ chức sắp xếp để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa của TPHCM thi diễn tại Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Trần Hữu Trang và rạp Công Nhân để tiết kiệm chi phí.
NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: “Liên hoan như một cuộc diễu binh để nhìn và đánh giá lại một quá trình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, từ đó đưa ra những phương hướng, biện pháp, để giúp hoạt động nghệ thuật của mỗi đơn vị được tốt hơn. Tôi mong muốn liên hoan là một sân chơi cải lương bổ ích của anh em nghệ sĩ sân khấu, là cơ hội để các nghệ sĩ được giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, đàm đạo cùng các chuyên gia.
Với thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, nhu cầu thưởng thức và giải trí của người dân cũng thay đổi nhiều, đòi hỏi cao hơn, vậy nên hoạt động sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp phải chú trọng hơn công tác truyền thông, quảng bá, chất lượng đầu tư…
Từ thực tế, chúng tôi sẽ tiếp nhận các ý kiến, tư vấn thêm cho lãnh đạo Bộ VH-TT để có những chính sách phù hợp cho các đơn vị nghệ thuật, xây dựng cho mỗi đơn vị một định hướng phát triển tốt hơn, phù hợp hơn trong tình hình xã hội hiện nay. Chúng tôi cũng chú trọng vấn đề làm thế nào để các đơn vị nghệ thuật công lập có khái niệm, cách nhìn và biện pháp kịp thời kết hợp hài hòa giữa mô hình nhà nước và xã hội hóa trong hoạt động tổ chức biểu diễn”.
Nhiệm vụ của nghệ thuật sân khấu chính là chuyển tải những thông điệp mang đậm giá trị nhân sinh, nhân văn, nhằm góp phần bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cũng đã xác định, văn học nghệ thuật giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; có chức năng bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Nằm trong dòng chảy đó, nghệ thuật sân khấu phải gắn bó và phản ánh kịp thời những vấn đề nóng, được người dân quan tâm, để góp phần bồi dưỡng về đạo đức, năng lực thẩm mỹ cho con người xã hội hiện đại.
Trăn trở với hoạt động phát triển sân khấu cải lương, NSƯT Thanh Điền tâm tư: “Nhìn lại, trong gần 20 năm qua, sân khấu không có gì mới. Chẳng qua là các vở có thêm những mảng miếng, thêm mục này, mục kia, nhưng cái tổng thể của sân khấu mới thì không có. Tổng thể đó phải vừa là nghệ thuật, vừa là nhu cầu của khán giả. Không thể phủ nhận, sân khấu hôm nay đã không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Điều này chứng tỏ trách nhiệm của những người làm sân khấu chưa tròn. Với nhiều vở diễn, khán giả mua vé đến xem vì thèm, vì có nghệ sĩ mình thích, vậy thôi, chứ không phải đi xem vì nhận thấy sân khấu có gì đó phát triển, thu hút. Chính vì vậy, nhiệm vụ của hội diễn, liên hoan là phải tìm ra được cái mới cho sân khấu”.
Để đổi mới liên hoan và vinh danh các thế hệ nghệ sĩ cải lương, góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần với công chúng hơn, ban tổ chức cũng xây dựng 1 đêm gala nghệ thuật và trao giải vào tối 19-9 với chủ đề “Danh tài hội tụ”. Dự kiến, đêm trao giải sẽ được Đài truyền hình Long An, Đài truyền hình TPHCM và Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. |