Cần đoàn kết và hợp tác quốc tế
Tuyên bố chung nêu rõ, đại dịch Covid-19 là không có biên giới, do đó giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này nằm ở sự đoàn kết, thống nhất toàn cầu và hợp tác đa phương. Tuyên bố chung nhận định, phải coi vaccine Covid-19 như một sản phẩm cộng đồng tốt cho sức khỏe của người dân toàn cầu, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của các quốc gia và những nền tảng có liên quan công tác phát triển và điều phối chế phẩm này, như cơ chế Tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT) và trụ cột điều phối vaccine của cơ chế này - sáng kiến COVAX.
Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa đạt được công bằng trong tiếp cận vaccine, đồng thời tiến độ triển khai vaccine cũng không đồng đều. Tuyên bố trên chỉ rõ, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển vẫn thiếu khả năng tiếp cận đầy đủ với các loại vaccine Covid-19 hiện có và với mức giá phải chăng.
Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan tăng cường các nỗ lực phối hợp và đồng bộ để phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý ở các nước đang phát triển. Văn kiện này cũng kêu gọi các nước sản xuất vaccine có năng lực biến các cam kết của họ thành hành động và đảm bảo cung cấp kịp thời và đầy đủ vaccine cho các nước tiếp nhận.
Số ca tử vong toàn cầu vượt ngưỡng 5 triệu
Theo số liệu do hãng tin Reuters công bố sáng 2-10, số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 5 triệu ca. Phân tích của Reuters cho thấy, nếu mốc 2,5 triệu ca tử vong được ghi nhận trong hơn một năm kể từ khi bùng phát dịch, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận chỉ sau 236 ngày. Hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico. Trong tuần qua, trung bình 8.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, tức là 5 ca/phút. Số liệu của Reuters cao hơn một chút so với số liệu trên trang thống kê worldometers.info (đến cùng thời điểm thống kê là hơn 4,8 triệu ca).
Cũng theo Reuters, số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã vượt mốc 700.000 vào ngày 1-10. Mỹ cũng đang dẫn đầu thế giới về số ca bệnh (hơn 44,4 triệu ca) và số ca tử vong do Covid-19, chiếm lần lượt 19% số ca bệnh và 14% số ca tử vong trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 56% dân số Mỹ đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19.
Reuters dẫn số liệu từ trang thống kê Our World in Data cho thấy, hơn một nửa thế giới hiện đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa số quốc gia ở châu Phi chỉ có 2% dân số hoặc ít hơn đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19.
Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vaccine.
Theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với Covid-19.