Liên đoàn thể thao đừng chỉ là bức bình phong

Hàng loạt “án cấm” của nhiều tổ chức thể thao quốc tế đối với Billiards & snooker Việt Nam được cho là sự cố “không ngờ tới” và đẩy các nhà quản lý, cụ thể là Liên đoàn Billiards & snooker Việt Nam (VBSF) vào sự lúng túng do sự việc chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Thậm chí, Cục Thể dục thể thao phải trực tiếp bàn bạc với VBSF để tìm giải pháp tháo gỡ mặc dù về nguyên tắc các liên đoàn là tổ chức độc lập, chỉ hoạt động theo ngành dọc với liên đoàn cấp trên như quy chuẩn của khu vực và thế giới.

Về khách quan, VBSF chỉ mới thành lập hơn 2 năm và là đầu mối duy nhất quản lý môn billiards, bao gồm cả snooker và pool. Trong khi đó, trên thế giới lại có gần 10 liên đoàn cấp trên của VBSF, chia thành từng phân môn. Phức tạp hơn, các vận động viên billiards chuyên nghiệp của Việt Nam không cần phải thông qua VBSF vẫn có thể là thành viên của nhiều tổ chức nhà nghề khác của billiards châu Á và thế giới, mà các tổ chức này lại hoạt động độc lập, thậm chí còn cạnh tranh nhau. Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến hàng loạt án phạt mà VBSF phải chịu sau khi một số vận động viên Việt Nam tham dự một giải đấu diễn ra ở Hà Nội mà VBSF không phải là đơn vị tổ chức.

Ngoài hoàn cảnh “quýt làm, cam chịu”, nhìn ở góc độ khác thì đây là hệ quả của một quá trình mà vai trò, chức năng, thậm chí trách nhiệm của các liên đoàn/hiệp hội quá mờ nhạt. Sự ra đời của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này đến từ nhu cầu thực tế. Có thể là do phong trào phát triển quá nhanh nên cần có đơn vị đại diện để quản lý, điều hành như trường hợp môn pickleball. Hay do đặc thù của môn thể thao, nhất là những môn có tính nhà nghề cao, bắt buộc phải có cơ quan điều hành độc lập để đủ tư cách làm thành viên của các tổ chức quốc tế, như trường hợp cụ thể là billiards hay khắt khe hơn như bóng đá, phải tách bạch hoàn toàn với cơ quan chính phủ.

Vậy nên, khi chính Cục Thể dục thể thao là đơn vị chịu trách nhiệm gỡ rối pháp lý thì có thể thấy VBSF đã không thực hiện đúng chức năng của mình trong việc dự báo, tham vấn cho cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể mới đây, trong vụ việc liên quan đến vận động viên do mình quản lý phải bỏ tiền túi đi thi đấu cho quốc gia, VBSF thừa nhận không đủ nguồn lực để phục vụ cho các hoạt động thường niên.

Nhân sự việc Billiards & snooker Việt Nam chịu nhiều “án cấm”, một lần nữa sự tồn tại của các liên đoàn bị đặt dấu hỏi. VBSF chỉ mới thành lập nhưng nhiều liên đoàn có tuổi đời lâu hơn vẫn đang gặp khó khăn trong việc cải thiện năng lực bộ máy của mình, chưa nói đến việc làm sao để phát triển môn thể thao mà mình quản lý. Như đề cập, sự ra đời của các liên đoàn/hiệp hội là yêu cầu thực tế. Gần như môn thể thao nào cũng có đơn vị đại diện là liên đoàn/hiệp hội nên cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm hay thậm chí là tính chính danh của họ. Có những liên đoàn, phải đến khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ thì mới biết đến sự tồn tại. Có những liên đoàn, hoãn đại hội đến 3-4 lần mà cũng chẳng sao! Câu hỏi đặt ra về vai trò và chức năng của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này lại càng cấp bách hơn khi hàng loạt nội dung quan trọng liên quan đến liên đoàn/hiệp hội được đề cập trong chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt. Liệu việc thúc đẩy xã hội hóa thể thao thực chất hơn, hay khái niệm kinh tế thể thao đi vào đời sống ra sao để phục vụ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu huy chương tại Asiad và Olympic... mà chiến lược đặt ra có thành hiện thực một khi các liên đoàn/hiệp hội chỉ mới dừng lại như là... bình phong!

Tin cùng chuyên mục