
Hỏi: Xin cho biết lịch sử ra đời các địa danh Nam Kỳ, Nam Phần, Nam Bộ.
Nguyễn Hữu Nhân (Phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM)
Năm 1834, vua Minh Mạng chia nước ta thành ba vùng, mỗi vùng gồm nhiều tỉnh. Ba vùng đó là Nam Kỳ, Bắc Kỳ, và Kinh Kỳ (sau gọi Trung Kỳ). Nam Kỳ có 6 tỉnh nên thường gọi Nam Kỳ Lục tỉnh.

Tháng 5–1945, bắt đầu xuất hiện cách gọi Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ nhưng cách gọi Nam Kỳ vẫn tồn tại đến năm 1949 ở Sài Gòn. Còn cách gọi Nam Bộ phổ biến ở vùng tự do hay vùng kháng chiến, ở miền Bắc (1954 – 1975) và tiếp tục cho đến nay.
Năm 1948, chính quyền Nguyễn Văn Xuân ở Sài Gòn còn đổi thành Nam Phần, Trung Phần, Bắc Phần.
Ngày 1–7–1949, chính quyền Sài Gòn lại đổi thành Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt.
Sau khi thực hiện Hiệp định Genève (1954) hai từ tổ miền Nam, miền Bắc ra đời. Miền Nam có hai nghĩa: Vùng đất từ vĩ tuyến 17 trở vào và vùng đất Nam Bộ.
Đến ngày 26–10–1956, chính quyền Ngô Đình Diệm dùng lại cách gọi Nam Phần, Trung Phần, Bắc Phần đã có từ năm 1949.
PGS-TS Lê Trung Hoa